Ngày nay, khi điện toán đám mây đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hơn 90% doanh nghiệp trên toàn cầu thì điều ngạc nhiên là rất nhiều công ty khởi nghiệp – Startup và các công ty vừa và nhỏ tập trung vào công nghệ lại không tận dụng được lợi thế của điện toán đám mây.
Theo nghiên cứu, thì có đến 90% công ty khởi nghiệp thất bại và chỉ có 40% công ty khởi nghiệp tạo ra lợi nhuận. Rất nhiều các công ty khởi nghiệp được sinh ra từ điện toán đám mây – born in the cloud. Điều này chủ yếu do điện toán đám mây giúp cho các công ty khởi nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi sử dụng các dịch vụ đám mây thay vì phải đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT cho riêng mình. Ngoài ra, điện toán đám mây còn mang lại sự linh hoạt cùng với khả năng mở rộng tài nguyên bất cứ khi nào doanh nghiệp cần có để sử dụng.
Tuy nhiên, rất nhiều các công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mắc phải các sai lầm khi áp dụng điện toán đám mây vào hoạt động kinh doanh của mình. Thậm chí, nhiều công ty còn không biết mình đã và đang tạo ra các sai sót này.
Vào năm 2018, ông lớn công nghệ Adobe đã mất 80.000 USD mỗi ngày cho chi phí thuê Cloud trên Microsoft Azure do lỗi của nhóm phát triển gây ra – và chỉ được phát hiện sau hơn 1 tuần xảy ra. Pinterest cũng chi vượt ngân sách cho cloud tại AWS lên tới 20 triệu USD vào năm 2018 do lượng truy cập tăng một cách đột biến mà không dự đoán được.
Đó chỉ là hai trường hợp điển hình trong rất nhiều các trường hợp mà chỉ một sơ suất nhỏ trong chiến lược điện toán đám mây có thể gây ảnh hưởng lớn về mặt tài chính và khả năng phát triển của doanh nghiệp.
Điều này xảy ra ngay cả với các công ty có nền tảng vững vàng như Adobe và Pinterest – những ông lớn về công nghệ. Và theo bạn thì khả năng doanh nghiệp của bạn sẽ mắc phải các sai lầm tương tự khi sử dụng điện toán đám mây là bao nhiêu? Có thể là rất cao nhưng cũng có thể sẽ tạo ra cho bạn rất nhiều cơ hội trong kinh doanh nếu bạn tránh được một số các sai lầm dưới đây:
1. Không có chiến lược điện toán đám mây cụ thể:
Có một chiến lược tốt và cụ thể về điện toán đám mây là chìa khóa thành công khi áp dụng điện toán đám mây trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều công ty khởi nghiệp bị cuốn hút vào các trang web khi triển khai các ứng dụng hoặc giải pháp đến nỗi họ quên đánh giá vai trò của điện toán đám mây đối với công ty của họ.
Theo Gartner, chiến lược điện toán đám mây giữ vai trò trung tâm khi một tổ chức muốn tham gia vào cuộc chơi này. Nhiều công ty khởi nghiệp cũng đã không đưa các bộ phận khác không liên quan đến kinh doanh khi xây dựng chiến lược, và cuối cùng họ đã đưa ra những quyết định sai lầm. Nhiều khi doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây mà không cần biết vai trò của nó trong tổ chức của mình. Điều này có thể làm giảm lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ việc sử dụng điện toán đám mây.
Cách khắc phục:
Luôn cố gắng thu hút sự tham gia của tất cả các phòng ban trong công ty khi đưa ra các chiến lược điện toán đám mây.
Đừng quên có một kế hoạch dự phòng trong chiến lược của mình, không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra như chúng ta mong đợi.
Không bao giờ là quá muộn để đưa ra chiến lược điện toán đám mây cho doanh nghiệp của bạn.
Tốt nhất là dùng đội ngũ của bạn để thực hiện chiến lược chứ không phải dựa vào các chuyên gia thuê ngoài.
2. Chọn nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây không phù hợp:
Mỗi nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có mô hình kinh doanh khác nhau nên sẽ có các dịch vụ khác nhau. Phần lớn các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp không thực hiện đủ nghiên cứu để xem những gì phù hợp và không phù hợp với mình. Chẳng hạn như khi tìm kiếm các nhà cung cấp hạ tầng đám mây, doanh nghiệp đã không thực hiện theo các bước cần thiết để tìm ra nhà cung cấp phù hợp, có thể giúp đạt được mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp.
Đây có thể là một vấn đề, đặc biệt khi nhà cung cấp dịch vụ đám mây có quy trình thanh toán phức tạp, không có một nền tảng ổn định, mạnh mẽ để phục vụ cho nhu cầu nâng cấp tài nguyên của doanh nghiệp khi cần.
Cách khắc phục:
Thực hiện các đánh giá trước khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Bạn nên thuê chuyên gia bên ngoài để đánh giá trong trường hợp doanh nghiệp của bạn không có ai thực hiện được điều này.
Chọn nhà cung cấp dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp chứ không phải mức độ phổ biến của nó.
Hãy thử nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác nhau trước khi đi đến quyết định.
3. Không tiếp cận theo phương pháp ưu – tiên – bảo – mật:
Bảo mật dữ liệu là một trong những mối quan tâm chính khi các doanh nghiệp áp dụng điện toán đám mây. Mặc dù điện toán đám mây có kiến trúc bảo mật rất phức tạp nhưng quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có một chiến lược để làm sao kiểm soát và xử lý được bảo mật dữ liệu của mình trên cloud. Rất nhiều doanh nghiệp đã thiếu cách tiếp cận ưu – tiên – bảo – mật khi tích hợp điện toán đám mây vào quy trình làm việc của mình.
Theo thống kê, năm 2020 có 49% doanh nghiệp chưa mã hóa cơ sở dữ liệu của mình, trong khi có 33,3% doanh nghiệp báo cáo rằng bảo mật đám mây là trở ngại lớn nhất đối với việc áp dụng điện toán đám mây.
Vi phạm dữ liệu sẽ rất tốn kém và có thể giết chết khả năng mở rộng của doanh nghiệp. Năm 2020, 1,52 triệu đô la đã bị mất do vi phạm dữ liệu, tăng nhẹ so với 1,42 triệu đô la vào năm 2019.
Do đó, điều quan trọng là doanh nghiệp phải đặt nền tảng để giữ cho việc bảo mật trên đám mây được đặt lên hàng đầu.
Cách khắc phục:
Giải pháp tốt nhất để đảm bảo doanh nghiệp của bạn được bảo mật dữ liệu theo mong muốn là xem xét tất cả các phương pháp an toàn – bảo mật dữ liệu trên đám mây.
Điều tra xem cách nhà cung cấp dịch vụ đám mây xử lý việc tuân thủ theo luật pháp như thế nào và các biện pháp bảo mật mà họ áp dụng.
4. Không thực hiện phân tích kinh doanh:
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp đã không nắm rõ được các nhu cầu bằng cách đặt câu hỏi: tổ chức của mình sẽ nhận được những lợi ích gì khi sử dụng điện toán đám mây? Không quan trọng là bạn đang đang áp dụng điện toán đám mây để tăng hiệu suất của một ứng dụng đồng thời giảm chi phí vận hành hay áp dụng điện toán đám mây để tăng năng suất hoạt động. Bạn nên cố gắng trả lời câu hỏi này, không chỉ trả lời không thôi mà cần phải ghi lại thành một hướng dẫn trong việc đưa ra quyết định.
Nếu không, bạn sẽ nhảy ngay vào chọn một nhà cung cấp dịch vụ đám mây mà không thực hiện phân tích các mục tiêu kinh doanh của mình, kết quả là bạn sẽ nhận đươc một mớ hổ lốn đầy tốn kém.
Cách khắc phục:
Đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu và sử dụng các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp làm kim chỉ nam.
5. Nhảy ngay vào điện toán đám mây:
Nhảy ngay bước đầu vào điện toán đám mây sẽ là một cái bẫy mà nhiều doanh nghiệp mắc phải khi di chuyển dữ liệu của mình lên đám mây. Đặc biệt với một số công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp có các giải pháp hoặc ứng dụng rất phức tạp, chạy hàng chục triệu mã code.
Di chuyển tất cả các thành phần của ứng dụng cùng một lúc lên các đám mây có thể gây ra các vấn đề về bảo trì hoặc dẫn đến hiệu suất kém.
Cách khắc phục:
Di chuyển các ứng dụng của doanh nghiệp lên đám mây theo từng giai đoạn.
6. Bỏ qua các yêu cầu cơ bản:
Yêu cầu cơ bản chẳng hạn như băng thông, hiệu năng CPU, công nghệ lưu trữ…Có rất nhiều công ty khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khuynh hướng phớt lờ tầm quan trọng của các yếu tố này. Đặc biệt là băng thông, nếu băng thông cao, ổn định sẽ giúp tận dụng được tối đa điện toán đám mây, ngược lại nó sẽ làm giảm hiệu quả làm việc của doanh nghiệp.
Cách khắc phục:
Tìm nhà cung cấp dịch vụ internet đáng tin cậy, có kế hoạch dự phòng trong thời gian bị ngưng hoạt động (downtime).
7. Quá lạc quan tới mức không thiết kế dự phòng cho các sự cố (Design for Failure):
Điện toán đám mây cũng hoạt động dựa trên phần cứng và cũng như hạ tầng CNTT truyền thống, đôi khi nó cũng gặp trục trặc. Hãy thiết kế dự phòng cho các sự cố và sẽ không có sự cố.
Cách khắc phục:
Triển khai kiến trúc đám mây có khả năng chịu lỗi tối ưu (failure-tolerant): cho phép hệ thống vẫn hoạt động bình thường mà không bị gián đoạn khi một hoặc nhiều thành phần trong hệ thống gặp sự cố.
Tìm nhà cung cấp dịch vụ đám mây có cơ chế khôi phục dữ liệu đáng tin cậy.
8. Không có dự báo tăng trưởng:
Đây là sai lầm hầu hất các doanh nghiệp mắc phải, ngay cả với những doanh nghiệp hoạt động lâu dài và ổn định. Như trường hợp của Pinterest đã ví dụ ở trên, họ đã mất 20 triệu USD cho hạ tầng đám mây do không dự báo tốt về mức độ tăng trưởng của mình.
Cách khắc phục:
Luôn theo dõi, bám sát các con số của doanh nghiệp và tìm kiếm các xu hướng có thể dẫn đến việc thay đổi nhu cầu về điện toán đám mây của bạn.
Tìm nhà cung cấp dịch vụ đám mây có thể mở rộng quy mô cùng với sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Nhìn chung, doanh nghiệp có thể dễ dàng tránh được hầu hết các sai lầm nêu trên và có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành. Hãy có một kế hoạch “lên mây” cụ thể và tìm kiếm một đối tác cung cấp dịch vụ đám mây đáng tin cậy để đồng hành với bạn.