Blog

Xin chào các bạn. Cloudbase mong muốn được chia sẻ cùng các bạn những kiến thức liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin (Infrastructure), an toàn-bảo mật (Security), lưu trữ dữ liệu và dịch vụ liên quan (Cloud Storage Services). Chúng tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy những thông tin hữu ích qua mục chia sẻ kiến thức này. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.

DỮ LIỆU TRÊN ĐÁM MÂY – CLOUD CÓ AN TOÀN?

Bạn đang lưu trữ dữ liệu ở đâu?

Tại thời điểm này, nếu tài liệu, hình ảnh, video, báo cáo của bạn đang được lưu trong ổ cứng máy tính của bạn thì điều này nghe có vẻ thật lạ lùng. Bởi vì phần lớn chúng ta ngày nay lưu trữ dữ liệu của mình trên đám mây – cloud, không gian lưu trữ không phải ở trong máy tính hay trong các thiết bị của bạn mà nó được chứa trên các máy chủ – server của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ bên thứ 3 như Google Drive, Dropbox…

Việc lưu dữ liệu của bạn trên cloud có rất nhiều lợi ích như: không cần phải lưu quá nhiều dữ liệu trên máy tính, vẫn truy cập được vào dữ liệu trong trường hợp máy tính hay thiết bị lưu trữ của bạn bị hư hỏng, dung lượng lưu trữ lớn giúp bạn lưu trữ dữ liệu một cách thoải mái…

Tuy nhiên, chắc chắn bạn đang băn khoăn liệu dữ liệu của bạn có được bảo vệ trên cloud? Dữ liệu của bạn sẽ gặp các mối đe dọa nào? Dữ liệu của bạn có khả năng bị mất không? Liệu dữ liệu cá nhân của bạn có bị vi phạm? Tin tặc có thể tấn công vào các máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ?

Hoặc có thể bạn lo lắng rằng máy chủ của nhà cung cấp sẽ gặp sự cố, khiến tất cả những thông tin quý giá của bạn bị biến mất?

Dữ liệu của bạn được bảo vệ trên cloud như thế nào?

Tuy nhiên, bạn sẽ yên tâm nếu biết rằng: Thông tin lưu trữ trên cloud sẽ an toàn hơn trên máy tính hay thiết bị của bạn rất nhiều. Lý do: Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây thường dựa vào các biện pháp an ninh mạng rất mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của bạn.

Vậy các biện pháp an toàn mà các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây áp dụng để bảo vệ dữ liệu của bạn là gì?

Những nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây sẽ có nhiều giải pháp, phương tiện, năng lực và kinh nghiệm để bảo vệ dữ liệu của bạn, bao gồm các biện pháp sau đây:

1. Nơi đặt server – Các trung tâm lưu trữ dữ liệu (Data Cebter) đạt tiêu chuẩn cao:

Hầu hết máy chủ – server của các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ được đặt tại các trung tâm lưu trữ dữ liệu đạt tiêu chuẩn Tier – 3 đến Tier – 4. Các điều kiện về hệ thống hạ tầng, nhiệt độ, hệ thống điện, hệ thống kiểm soát an ninh đều được theo dõi và kiểm soát nghiệm ngặt theo các tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo cho các máy chủ hoạt động liên tục lên tới 99.99% (uptime).

2. Dữ liệu được mã hóa:

Dữ liệu của bạn khi lưu trữ trên cloud sẽ được mã hóa và chỉ có bạn mới có thể đọc hiểu được, điều này giúp bảo vệ dữ liệu của bạn an toàn hơn, hạn chế bị tin tặc tiếp cận.

3. Cập nhật bảo mật liên tục và nhất quán:

Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây phải cập nhật các biện pháp bảo mật của họ một cách liên tục và nhất quán để bảo vệ hệ thống khỏi các vi rút và phần mềm độc hại mới nhất.

4. Tích hợp tường lửa:

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây còn dùng tường lửa – firewall để bảo vệ dữ liệu của bạn. Dữ liệu của bạn sẽ được đặt phía sau các tường lửa, giúp bảo vệ dữ liệu của bạn được an toàn khỏi các phần mềm độc hại, các tấn công có chủ đích.

5. Dự phòng – Khôi phục sau thảm họa:

Trường hợp hệ thống server của nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây bị hỏng hóc phần cứng hoặc mất nguồn điện thì sao? Bạn sẽ vẫn có thể truy cập vào dữ liệu của mình bởi vì hầu hết các nhà cung cấp đám mây lớn đều thực hiện dự phòng. Nghĩa là họ sao chép dữ liệu của bạn nhiều lần và lưu trữ trên nhiều trung tâm dữ liệu khác nhau. Bằng cách này, nếu một máy chủ gặp sự cố, bạn vẫn có thể truy cập vào dữ liệu của mình từ một máy chủ dự phòng.

6. Công cụ giám sát AI và tự động vá lỗi:

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng đang chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo – AI để giúp bảo vệ dữ liệu của bạn. Điều này rất quan trọng vì không dễ tìm được các chuyên gia bảo mật có kinh nghiệm để giám sát dữ liệu. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây chuyển sang sử dụng AI để thay thế, ít nhất là ở cấp độ đầu tiên của phân tích bảo mật. Các chương trình này được xây dựng dựa trên các thuật toán để tìm kiếm và xác định các lỗ hổng bảo mật có thể xảy ra với các biện pháp bảo mật đang áp dụng để có những biện pháp ngăn ngừa sớm.

Bạn cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa nào để tăng cường bảo bảo mật dữ liệu của bạn trên đám mây?

Việc bảo vệ dữ liệu phải luôn được chính bạn quan tâm và đặt lên hàng đầu chứ không thể phó mặc hoàn toàn cho các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây.

Sau đây là một số biện pháp bạn cần phải thực hiện để bảo vệ dữ liệu của bạn được an toàn hơn nữa:

1. Mã hóa dữ liệu của bạn

Trước tiên, hãy đảm bảo rằng: nhà cung cấp dịch vụ đám mây mã hóa dữ liệu mà bạn gửi đến để họ lưu trữ. Bạn cần phải làm cho tin tặc khó lấy thông tin của bạn nhất có thể. Lưu trữ dữ liệu của bạn với một nhà cung cấp được mã hóa sẽ khiến tin tặc chùn bước.

2. Thực hiện sao lưu dữ liệu

Đảm bảo chỉ chọn các nhà cung cấp dịch vụ đám mây có khả năng sao lưu dữ liệu của bạn. Nếu bạn lưu trữ tất cả thông tin chỉ trên một máy chủ, khi máy chủ đó offline (ngoại tuyến), bạn sẽ không thể truy cập vào dữ liệu của mình.

Bạn cũng nên cân nhắc sao lưu các thông tin nhạy cảm nhất của mình trong ổ cứng gắn ngoài của riêng mình ngay cả khi các thông tin đó đang được lưu trữ trên đám mây. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một lớp bảo vệ bổ sung trong trường hợp có điều gì xảy ra với nhà cung cấp dịch vụ đám mây của bạn.

3. Bật xác thực hai yếu tố

Bạn có thể khiến tin tặc gặp nhiều khó khăn hơn bằng cách bật xác thực hai yếu tố.  Xác thực hai yếu tố yêu cầu bạn cung cấp hai phần thông tin khi đăng nhập vào một trang web, điều này giúp cho tài khoản để truy cập vào dữ liệu của bạn khó bị đánh cắp hơn.

Chẳng hạn như bạn đang đăng nhập vào trang web trực tuyến của ngân hàng. Đầu tiên, bạn cung cấp tên người dùng và mật khẩu của mình, là bước thông thường. Sau đó, bạn đợi ngân hàng gửi mã đến địa chỉ email hoặc điện thoại của bạn. Sau đó, bạn nhập mã này trực tuyến để truy cập vào tài khoản của mình. Bước bổ sung này khiến tin tặc khó lấy được email, thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính của bạn hơn.

Cuối cùng, hãy luôn nhớ rằng sẽ không ai bảo vệ dữ liệu của bạn tốt hơn chính bạn.