Những người hàng ngày vào ứng dụng Pi để “đào” tiền ảo vừa lãng mạn, vừa ngây thơ.
Trên một hội nhóm Facebook về “Crypto”, một người đào Pi đã quá lãng mạn khi cho rằng “vào năm 2022, anh ta sẽ ngồi trong căn biệt thự 1000 m2 nhìn dàn siêu xe từ Lamborghini đến Roll Royces, tất cả là nhờ vào việc đào tiền ảo Pi”.
Pi (π) là một trong những hằng số đẹp nhất trong vũ trụ. Nhưng với “đồng tiền ảo” mang tên nó, tôi nghĩ rằng nên thêm “e” vào để trở thành Pie – một chiếc “bánh vẽ” của thời 4.0.
Thật không thể nghi ngờ việc Pi sắp trở thành Pie, khi ứng dụng tiền ảo Pi biến mất trên Google Play từ rạng sáng 21/12. Trước đó, nhiều người đã vỡ mộng khi không thể đổi được Pi sang tiền thật trong giai đoạn mainnet (khởi chạy chính thức).
>> Giấc mơ ‘về hưu sớm nhờ Bitcoin’ sụp đổ
Tôi thấy khá buồn cười khi một số người nói rằng Pi sẽ trở thành “Bitcoin thứ hai”. Phải chăng chính tâm lý FOMO – sợ bị bỏ lỡ, vì trước đây họ đã trễ chuyến tàu Bitcoin khi đồng tiền ảo này vẫn dễ đào và giá trị thấp, nên bây giờ họ vẫn kiên định chắp vá mọi sơ hở về đồng Pi – chỉ để giữ vững ước mơ rằng một ngày nào đó mình sẽ giàu có?
Những sơ hở đó là gì?
Có thật là “đào” Pi không mất gì, không phải tốn nhiều tiền đầu tư “trâu cày” và tiền điện như Bitcoin? Rất nhiều người đã và đang đánh đổi từ số điện thoại, hình ảnh cá nhân, giấy tờ tùy thân, quyền truy cập vào điện thoại, xem quảng cáo trên app để được “đào” loại tiền ảo này.
“Đào” tiền ảo nhưng thật nhàn hạ và dễ dàng. Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại, đăng nhập (tất nhiên là khai báo nhiều thông tin cá nhân), “điểm danh” sau mỗi 24h, người dùng đã có thể thu về những con số với đơn vị là Pi.
Tôi còn thấy bóng dáng của đa cấp ở Pi. Nếu nhìn vào việc chào mời để kiếm thêm tiền thì đào Pi không khác gì mô hình đa cấp. Ứng dụng Pi giới hạn một người chỉ đào được 0,12 Pi/giờ, tương đương khoảng 2,88 Pi/ngày.
Như vậy để tăng tốc độ đào tiền, người chơi phải tìm mọi cách lôi kéo thêm người mới vào mạng lưới tiền ảo này.
Pi dựa trên Blockchain ư? Một chuyên gia Blockchain tỏ ý nghi ngờ khi Pi Network thiếu tính minh bạch của một dự án về blockchain.
>> Tôi không chơi vì Bitcoin quá vô lý
Vì này nói rằng nguyên tắc bất di bất dịch của blockchain là tính minh bạch. Pi Network có ứng dụng trên di động và các máy chủ xử lý thực tế, vậy tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét mà phải đóng?
Tôi nghĩ rằng việc mở điện thoại vào “đào” Pi giống như mỗi ngày ra suối nhặt một viên đá cuội về bỏ vào rương. Và người này ngày nào cũng ánh lên một niềm tin rằng “có sức nhặt thì sỏi đá cũng biến thành vàng”.
Nhưng đằng sau niềm tin có vẻ ngây ngơ này, tôi băn khoăn khi xã hội lại có không ít những người muốn giàu, làm giàu nhưng lại không chịu bắt đầu trên nền tảng vững chắc là kiến thức – lao động và đầu tư.
Trần Mạnh