Bitcoin dễ bị “lái” giá, cùng với việc ngày càng nhiều tổ chức nắm giữ sẽ khiến nó bị gắn chặt với biến động chung của thị trường đầu tư.
Giá của Bitcoin – tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới – đã giảm gần 20% vào cuối tuần qua, từ khoảng 57.000 USD vào ngày 3/12 xuống còn 45.000 USD hôm 4/12. Giá sau đó đã phục hồi một phần và giao dịch quanh mốc 51.500 USD vào chiều hôm nay (7/12) giờ Việt Nam.
Cùng với Bitcoin, cuối tuần qua, các đồng tiền số phổ biến khác cũng giảm một tỷ lệ tương tự. Vốn hóa của thị trường các đồng tiền số giai đoạn đó giảm 400 tỷ USD, xuống còn 2.000 tỷ USD. Vậy tại sao giá Bitcoin và các đồng tiền số khác lại có sự biến động mạnh như vậy?
Trong quá khứ, các lần lao dốc của giá tiền số thường xảy ra độc lập với thị trường đầu tư rộng lớn hơn. Hồi tháng 5, Bitcoin mất đến 47% giá trị trong một tuần do cuộc trấn áp giao dịch tiền số của Trung Quốc và một dòng tweet (nội dung chia sẻ trên Twitter) của CEO Tesla Elon Musk rằng hãng xe điện sẽ ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Ngược lại, đợt lao dốc cuối tuần qua của Bitcoin lại gắn chặt với các thị trường đầu tư của Mỹ. Thị trường này bị ảnh hưởng vào ngày 3/12, sau khi báo cáo việc làm hàng tháng mới nhất gửi các tín hiệu trái chiều về sự phục hồi kinh tế của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,4 điểm phần trăm trong tháng 11 xuống 4,2%, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Điều đó có thể cho các nhà đầu tư thấy rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – Fed sẽ tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch, làm giảm lợi nhuận từ các tài sản rủi ro hơn. Cổ phiếu, bao gồm cả cổ phiếu của các công ty công nghệ, giảm. Việc phát hiện ra Omicron, biến thể mới của Covid-19, vào ngày 24/11 cũng làm thị trường thêm lo lắng. “Chúng tôi đang thấy nỗi sợ hãi với biến thể Omicron vẫn còn”, Marcus Sotiriou, nhà giao dịch tại công ty môi giới tài sản kỹ thuật số GlobalBlock, bình luận.
Ảnh hưởng của tất cả những yếu tố này đối với tiền số đặc biệt rõ rệt. Mặc dù Bitcoin và các đồng tiền số khác được tạo ra như một phương tiện thanh toán kỹ thuật số, nhưng chủ sở hữu của chúng hiện không coi là phương tiện thanh toán, mà là tài sản tài chính.
Và vấn đề là, hầu hết Bitcoin ít khi được giao dịch, với một số ít nhà đầu tư có thể nắm chi phối đáng kể khả năng biến động giá cả của nó. Theo Flipside, một công ty phân tích tiền điện tử, chỉ khoảng 2% tài khoản Bitcoin đang nắm giữ 95% số tiền hiện có.
Năm ngoái, chưa đến 20% nguồn cung Bitcoin được giao dịch tích cực bởi hầu hết được giữ trong các tài khoản dài hạn. Điều đó có nghĩa là các đợt giao dịch không cần phải quá lớn để có thể tạo ra những biến động giá đột ngột. Hay nói dễ hiểu hơn, những tay nắm giữ nhiều Bitcoin rất dễ dàng “lái” giá.
Những người ủng hộ Bitcoin thường quảng cáo về khả năng nó có thể hoạt động như một tài sản trú ẩn an toàn, giao dịch độc lập với cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa. Họ lập luận rằng Bitcoin sẽ đóng một vai trò tiềm năng đối với các nhà đầu tư đang tìm cách cân bằng rủi ro của họ.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của Bitcoin tuần qua, vốn ảnh hưởng từ tâm lý lo lắng rộng rãi chung của thị trường đầu tư, là một dấu hiệu cho thấy tiền số lớn nhất vẫn có mối tương quan chặt chẽ với các phần khác của thị trường, đặc biệt là khi nhiều tổ chức tăng cường sở hữu nó.
Theo Jeroen Blokland, Nhà sáng lập công ty nghiên cứu True Insights, khi thị trường bất an, các nhà quản lý đầu tư sẽ giảm các tài sản rủi ro nhất của họ trước tiên. Điều đó khiến Bitcoin dễ bị tổn thương. Marcus Sotiriou nói thêm rằng, việc bán tháo cuối tuần qua phần lớn là do các tổ chức chốt lời bằng Bitcoin trước cuối năm, do sự không chắc chắn tăng đột biến.
“Sự lao dốc cuối tuần qua cho chúng ta thấy rằng Bitcoin không hoàn toàn tách rời khỏi thị trường toàn cầu. Nó vẫn chưa đến được giai đoạn đó, nơi nó đủ lớn để có thể giữ được sự độc lập của riêng mình”, Marcus Sotiriou phân tích.
Một lý do khác là hiện có rất nhiều sàn giao dịch tiền điện tử. Chính sự phân mảng của giao dịch cũng làm tăng tính biến động. Một vài giao dịch trên một sàn giao dịch nhất định cũng có thể tạo ảnh hưởng đáng kể. Cùng với đó, giá Bitcoin còn bị ảnh hưởng bởi thị trường các công cụ phái sinh (các hợp đồng dựa trên giá của tài sản cơ bản, trong trường hợp này là Bitcoin).
Trung bình có nhiều giao dịch phái sinh Bitcoin hơn 5 lần so với giao dịch giao ngay của chính đồng tiền này. Các giao dịch phái sinh thường được thực hiện trên các sàn giao dịch nước ngoài không được kiểm soát, có thể làm thay đổi giá tiền điện tử, và kết quả là làm tăng thêm sự biến động.
Khi đầu tư tiền số đạt được sức hút, nhiều nhà đầu tư có uy tín hơn sẽ nhảy vào thị trường. Điều đó có thể nâng cao tính chuyên nghiệp và làm cho giá cả ít biến động hơn trong dài hạn. Thị trường này cũng có thể ổn định hơn nhờ một số cách. Ví dụ, nhiều quy định hơn về tiền số có thể ban hành, với các quốc gia khác nhau đang thắt chặt hơn theo những cách khác nhau.
Mỹ đang cân nhắc các quy định đối với stablecoin, một loại tiền số được gắn với tiền tệ do chính phủ phát hành. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã phê duyệt một khuôn khổ để giám sát các khoản thanh toán kỹ thuật số, bao gồm một số loại tiền số. Và những kỳ vọng thay đổi về lãi suất cũng có thể tiếp tục làm thay đổi giá cả. “Đầu tư vào tiền điện tử có vẻ vẫn là một chặng đường gập ghềnh”, The Economist bình luận.
Phiên An (theo The Economist, CNN)