Thái Yên là làng nghề mộc nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm, được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ nơi đây mặc dù mang nét độc đáo riêng về mỹ thuật và chất lượng, không hề thua kém các thương hiệu lớn trong nước nhưng những năm qua với việc thiếu sự đầu tư bài bản nên hoạt động sản xuất vẫn mang tính cầm chừng và thiếu bền vững, các sản phẩm vẫn chỉ luẩn quẩn quanh “ao làng”.
Nhận thức được vấn đề đó, thời gian gần đây Thái Yên đã có những bước chuyển mình đáng kể, mà điển hình là việc mở rộng CCN Thái Yên theo mô hình xã hội hóa do công ty IDI làm chủ đầu tư. Dự án không chỉ là sự đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất nghề mộc theo hướng công nghiệp hóa mà còn chú trọng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, trong đó xây dựng nhãn hiệu mộc Thái Yên là một nội dung hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của làng nghề trong thời hội nhập.
Làng mộc truyền thống Thái Yên (Đức Thọ)
Xây dựng thương hiệu làng nghề cần thiết cho sự phát triển bền vững!
Thương hiệu làng nghề có thể được coi là thương hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của làng nghề là chủ sở hữu thương hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của làng nghề đó. Thương hiệu làng nghề về bản chất có thể đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý…
Xây dựng và phát triển thương hiệu của làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập toàn cầu trở thành yếu tố cạnh tranh cơ bản để làng nghề tồn tại và phát triển một cách bền vững. Việc không có thương hiệu đã làm giảm một cách đáng kể sức tiêu thụ, cạnh tranh cũng như giá trị kinh tế của các sản phẩm đồ gỗ Thái Yên
Có nhiều lý do dẫn đến việc làng nghề không mặn mà với việc làm thương hiệu, song lý do chính đó là lối mòn sản xuất thủ công, kinh doanh theo lối riêng rẽ thiếu sự gắn kết, mạnh ai nấy làm, không có một cá nhân hay tổ chức đại diện đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm, giao thương với bên ngoài và đại diện pháp lý cho làng. Cùng với đó là sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu và tâm lý “dựa dẫm truyền thống” với quan niệm rằng sản phẩm đã có “truyền thống” lâu đời thì ắt sẽ được mọi người ghi nhận nên chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu, đăng ký thương hiệu là…thừa!
Chính lối mòn trong sản xuất và trong tư tưởng đó đang là rào cản lớn cho sự phát triển của Thái Yên nói riêng và làng nghề nói chung. Để nghề mộc Thái Yên với lịch sử hàng trăm năm với biết bao tự hào cùng những sản phẩm đồ gỗ độc đáo, tinh xảo tiếp tục phát triển một cách bền vững và đem lại giá trị kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu làng nghề là vấn đề cấp bách!
Không nhìn đâu xa, hãy nhìn cái cách mà những bưởi Phúc Trạch, cam Thượng Lộc đang khẳng định giá trị trên thị trường, hiên ngang có mặt trong các siêu thị, cửa hàng, tại Hà Nội, Sài Gòn, hay bất kể một tỉnh thành nào, kể cả nước ngoài để biết rằng thương hiệu là hết sức cần thiết không chỉ cho sự phát triển sản phẩm – kinh tế mà còn là một niềm tự hào của chính những con người, những mảnh đất làm nên thương hiệu đó. Nếu không ý thức được trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thì đến một ngày bưởi Phúc Trạch cũng chỉ là một loại bưởi, cam Thượng Lộc cũng chỉ là một loại cam và mộc Thái Yên cũng chỉ là những sản phẩm được làm từ gỗ.
Vậy, xây dựng nhãn hiệu mộc Thái Yên để được gì?
Trước mắt, bảo hộ nhãn hiệu sẽ giúp cho làng nghề Thái Yên được bảo vệ về mặt pháp luật, đồng thời giữ được uy tín, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, khả năng phân phối sẽ nhanh hơn, rộng hơn dẫn đến tăng doanh thu cho làng nghề tại thị trường trong nước. Các sản phẩm đồ gỗ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường sẽ được quản lý chất lượng, yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, vì vậy, sản phẩm sẽ khó bị làm giả, làm nhái và nâng cao giá trị hơn rất nhiều.
Về lâu dài, khi xây dựng được thương hiệu mạnh sẽ giúp sản phẩm đồ gỗ Thái Yên tự tin khẳng định chỗ đứng trong thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời là niềm tự hào, động lực của chính những người làm nghề, tâm huyết với nghề, hăng say và sáng tạo trong lao động, không những gia tăng lợi ích kinh tế mà còn gìn giữ một nét truyền thống văn hóa đáng tự hào.
Xây dựng thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?
Thiết nghĩ, muốn xây dựng và phát triển bền vững, Thái Yên cần phải đổi mới để phát triển. Đổi mới trong suy nghĩ, đột phá trong sản xuất kinh doanh!. Xây dựng thương hiệu trước tiên là sự đầu tư để mang lại những sản phẩm có chất lượng, thể hiện uy tín làng nghề. Muốn làm được như vậy, cần xóa bỏ lối mòn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển đổi công nghệ và phương thức sản xuất, liên kết trong sản xuất kinh doanh.
Theo chúng tôi, xã hội hóa đầu tư CCN Thái Yên với định hướng dài hạn và chú trọng môi trường chính là một sự đầu tư đúng đắn và cần thiết giải quyết một cách triệt để các vấn đề nêu trên.
Xã hội hóa Cụm công nghiệp Thái Yên (phần mở rộng) – hướng đi mới cho sự phát triển làng nghề bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh đó cần sự thay đổi tư duy của làng nghề trong việc định vị, xây dựng chiến lược, đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu không chỉ là đặt tên cho hàng hóa, dịch vụ, rồi đăng ký bảo hộ mà là cả một quá trình gian nan, một quá trình tự khẳng định mình với sự đầu tư hợp lý. Xây dựng đã khó, phát triển thương hiệu càng khó hơn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tâm huyết cả về chiến lược xây dựng, đầu tư tài chính và nguồn lực. Nhãn hiệu/thương hiệu là tài sản chung không của riêng ai, việc xác lập, xây dựng và phát triển nhãn hiệu mộc Thái Yên cũng vậy. Đây là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và hộ dân. Nếu chính quyền có trách nhiệm lớn trong việc xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu thì để quản lý – khai thác cũng như phát triển nhãn hiệu một cách hiệu quả thì nguồn lực doanh nghiệp là nhân tố then chốt. Cần sự đồng sức đồng lòng của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, trong đó, cần những đầu tàu đủ tâm huyết, đủ năng lực, đủ uy tín đứng ra chèo lại nhãn hiệu mộc Thái Yên vươn mình ra “biển lớn”.
Xin nhấn mạnh rằng trách nhiệm chung và lợi ích chung. Đã đến lúc, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần ngồi lại với nhau, cùng thống nhất, đồng lòng tìm phương án, giải pháp hiệu quả nhất nhằm xây dựng và phát triển nhãn hiệu làng nghề Thái Yên. Tất nhiên, tất cả phải cùng vì một mục tiêu chung, vì thương hiệu chung, lợi ích chung và niềm tự hào chung. Tránh tình trạng, việc xác lập để lấy thành tích, xác lập cho có nhãn hiệu hoặc chia sẽ lợi ích mang tính cục bộ địa phương. Một nhãn hiệu chỉ thực sự có giá trị khi được phát triển đúng đắn, quản lý và khai thác hiệu quả bằng không cũng chỉ là là một văn bằng, giấy chứng nhận mà thôi.
Hy vọng rằng, với định hướng đúng và sự quan tâm của UBND tỉnh, cùng sự phối hợp của sở ngành, chính quyền các cấp, đặc biêt là sự đồng sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và hộ dân trong một tương lai không xa thương hiệu mộc Thái Yên sẽ phát triển đúng với tiềm năng vốn có, trở thành một thương hiệu hàng đầu trong thị trường đồ gỗ cả nước và vươn tầm quốc tế.