Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, văn hóa doanh nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp. Bất kì một doanh nghiệp nào nếu thiếu đi yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp đó khó có thể tồn tại được.
Nhưng thế nào là văn hóa doanh nghiệp?
Tại sao văn hóa doanh nghiệp lại quan trọng đến thế?
Để hiểu được văn hóa doanh nghiệp trước hết ta phải hiểu khái niệm văn hóa là gì?
Văn hóa là tổng thể các phản ứng tinh thần, thể chất và những hoạt động định hình nên hành vi của cá nhân cấu thành nên một nhóm người vừa có tính tập thể vừa có tính cá nhân trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên của họ, với những nhóm người khác, với những thành viên trong nhóm và của chính các thành viên này với nhau.
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa doanh nghiệp, ta có thể định nghĩa khái quát như sau: Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyển thống ăn sâu vào hoạt động doanh nghiệp; tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp. Trong đó chân – thiện – mỹ là giá trị văn hóa mà các doanh nghiệp hướng đến.
Tầm quan trọng của xây dựng văn hóa doanh nghiệp
1. Là yếu tố quyết định sự tăng trưởng của doanh nghiệp
Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động và các yếu tố khác, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên tinh thần như vậy sẽ giúp tăng hiệu quả, năng suất, chất lượng làm việc. Từ đó làm cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh được tốt hơn, giúp doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường.
2. Tạo lợi thế cạnh tranh quan trọng
Một công ty có văn hóa tốt và phù hợp với mục tiêu, chiến lược dài hạn mà doanh nghiệp đã đề ra sẽ tạo ra được sự gắn kết giữa các nhân viên, họ từ hào vì mình là một phần của tổ chức, từ đó tạo động lực để họ phấn đấu, cống hiến hết mình cho mục tiêu chung của tập thể, làm cho hiệu quả hoạt động kinh doanh được tốt hơn và tạo sự khác biệt trên thị trường. Hiệu quả và sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường.
3. Thu hút nhân tài, gắn bó người lao động
Tạo dựng được môi trường và văn hóa tốt giúp doanh nghiệp thu hút và giữ được nhân tài, củng cố lòng trung thành của nhân viên với doanh nghiệp: VHDN giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm. VHDN còn tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhân viên và một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh. Khi doanh nghiệp xây dựng được một nền văn hóa mạnh thì càng khẳng định được giá trị ngầm định, đó là giá trị cốt lõi của mỗi doanh nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là người lao động luôn tự hào về công ty mình. Họ luôn tự hào vì mình là một thành viên của tổ chức, luôn coi tổ chức như nhà của mình. Sẽ không ai muốn làm việc tại một nơi mà họ cảm thấy không thoải mái. Do vậy, văn hóa doanh nghiệp sẽ ngăn cản tình trạng “ chảy máu chất xám” đang phổ biến hiện nay.
Các họat động vui chơi trong công ty gắn kết nhân viên lại với nhau hơn
4. Tạo bản sắc nhận dạng riêng của tổ chức, phân biệt với tổ chức khác
VHDN tạo nên nét đặc trưng riêng của từng doanh nghiệp. Các giá trị cốt lõi, lễ nghi, thói quen hay cách họp hành, đào tạo, lẫn đồng phục, giao tiếp…đã tạo nên phong cách riêng biệt của doanh nghiệp, phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Rõ ràng việc có được điều này là vô cùng quan trọng, giữa hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp trên thị trường thì có một đặc trưng riêng sẽ giúp doanh nghiệp nổi bật, dễ nhận biết và có một địa vị tốt trong tâm trí khách hàng và đối tác.
5. Giảm xung đột trong một tổ chức
Tập thể nhân viên cùng hợp tác làm việc trên tinh thần đoàn kết, nhấ trí và tương trợ lẫn nhau. Khi xảy ra những mâu thuẫn, họ dễ dàng xử lý theo cách phù hợp và ôn hòa nhất. Giảm được xung đột, tinh thần làm việc của nhân viên sẽ được nâng cao, tập trung thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu chung với hiệu quả tốt hơn.
Kết luận: Doanh nghiệp cần xây dựng được những chuẩn mực, quy định cho tổ chức của mình, từ đó dần dần hình thành văn hóa doanh nghiệp. Cần coi đây như là tôn chỉ mục đích của công ty, vì nó sẽ đảm bảo sự trường tồn của doanh nghiệp, là tâm niệm về mục đích sống của doanh nghiệp đó. Có thể có văn hóa tích cực, sẽ đưa doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đi lên, nhưng cũng có thể có văn hóa tiêu cực, làm kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp đó, thậm chí làm cho doanh nghiệp phải phá sản. Điều đó tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp chú trọng tới việc xây dựng văn hóa như thế nào cho phù hợp với công ty mình.