Như đã đề cập trong bài viết trước, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hội nhập toàn cầu, ngoài việc đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển đổi công nghệ, phương thức sản xuất và liên kết trong sản xuất kinh doanh thì việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề Thái Yên là hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển làng nghề một cách bền vững.
Sở KHCN chủ trì buổi làm việc giữa các bên liên quan về các nội dung triển khai đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên
Thực tế, được sự quan tâm tâm đầu tư kịp thời của UBND tỉnh, Sở ngành và chính quyền các cấp, cùng với việc xã hội hóa đầu tư mở rộng CCN Thái Yên thì dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên” cũng đã chính thức được triển khai.
Tuy nhiên, nhãn hiệu tập thể là gì? thì không phải ai cũng nắm bắt được nhất là đối với cộng đồng dân cư tại Thái Yên khi với bà con đây là một nội dung còn rất mới mẻ. Hy vọng với bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức tổng quan liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên.
Nhãn hiệu tập thể là gì?
Theo luật sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.”
Nhãn hiệu tập thể thường được đăng ký cho các làng nghề truyền thống, sản vật địa phương. Chức năng cơ bản của NHTT là chỉ dẫn cho công chúng về nguồn gốc và những đặc tính nhất định của sản phẩm mang nhãn hiệu đó nhằm khuếch trương cho sản phẩm của một vùng nhất định. Về cơ bản, các sản phẩm “Mộc Thái Yên” sẽ khác với các sản phẩm đồ gỗ khác trong tỉnh, các sản phẩm đồ gỗ phía bắc hoặc bất cứ một địa phương nào khác. Hay các sản phẩm Gốm bát tràng được sản xuất thủ công với hơn 1000 năm truyền thống có nét độc đáo riêng về chất lượng và mỹ thuật mà không một loại gốm sứ ở địa phương nào có được.
Đối với Thái Yên, khi xây dựng NHTT sẽ giúp cho làng nghề được bảo vệ về mặt pháp luật, giúp phân biệt các sản phẩm làng nghề với các sản phẩm đồ mộc thông thường khác, đảm bảo sự ổn định của chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần duy trì danh tiếng của làng nghề. Điều này, không chỉ giúp sản phẩm làng nghề nhận được sự tin tưởng cao từ phía khách hàng, tăng tính cạnh tranh mà giá trị kinh tế cũng cao hơn, việc quảng bá và mở rộng phân phối ra các thị trường khác trong nước cũng dễ hơn, dẫn đến tăng doanh thu cho sản phẩm. Về lâu dài, khi xây dựng được thương hiệu mạnh sẽ giúp sản phẩm đồ gỗ Thái Yên tự tin khẳng định chỗ đứng trong thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời là niềm tự hào, động lực của chính những người làm nghề, tâm huyết với nghề, hăng say và sáng tạo trong lao động, không những gia tăng lợi ích kinh tế mà còn gìn giữ một nét truyền thống văn hóa đáng tự hào.
Như vậy, việc tạo nhãn hiệu tập thể trên thực tế phải đi kèm với sự phát triển các tiêu chuẩn nhất định cùng với một chiến lược chung. Khi đó, NHTT mới có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho phát triển thương hiệu sản phẩm của làng nghề. Yêu cầu cấp thiết của Thái Yên hiện nay là phải xác định tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ, lịch sử và các giá trị truyền thống, văn hóa, tay nghề gắn với sản phẩm từ đó xác định được những đặc tính nhất định đặc trưng riêng của “Mộc Thái Yên”, các lợi thế cốt lõi của sản phẩm và có hướng khai thác, phát triển hiệu quả nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh, định vị chổ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Làng nghề truyền thống Thái Yên trên con đường hội nhập
Quyền sở hữu và khai thác, quản lý nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”?
Chủ sở hữu NHTT là người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ NHTT do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Nếu chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu của nhà nước thì chủ sở hữu Nhãn hiệu thập thể có thể là Hiệp hội mà các doanh nghiệp là thành viên hoặc chủ thể khác là một tổ chức công hoặc hợp tác xã… Bản thân các tổ chức này không sử dụng nhãn hiệu tập thể mà chỉ những thành viên của họ sử dụng nhãn hiệu tập thể để tiếp thị sản phẩm với điều kiện thành viên phải đáp ứng và tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định trong quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể. Hầu hết các nước (bao gồm Việt Nam) yêu cầu rằng khi nộp đơn đăng ký NHTT phải nộp kèm bản sao quy chế sử dụng NHTT.
Đối với NHTT “Mộc Thái Yên” do yếu tố địa lý “Thái Yên” nên để đảm bảo việc khai thác – phát triển nhãn hiệu phải gắn với yếu tố văn hóa và xã hội của địa phương thì chủ sở hữu (người đứng tên trên đơn đăng ký) có thể là UBND huyện Đức Thọ, UBND xã Thái Yên…đồng thời phải tiến hành xin phép và được sự chấp thuận của UBND tỉnh về việc sử dụng địa danh. Tuy nhiên, để đảm việc bảo khai thác và phát triển nhãn hiệu một cách hiệu quả thì Quyền quản lý – khai thác nhãn hiệu nên thuộc về một tổ chức tập thể mà các doanh nghiệp, hộ sản xuất là thành viên. Tổ chức này được thành lập có tư cách pháp nhân và có trụ sở, mục đích hoạt động, điều lệ hoạt động được phê duyệt. Trong đó hình thức Hội, ví dụ: Hội đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên là phù hợp nhất. Chỉ cá nhân, tổ chức nào là thành viên của Hội mới được sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, dịch vụ của mình, tất nhiên các thành viên khi tham gia phải đủ điều kiện theo quy định chung của Hội đồng thời phải tuân thủ đầy đủ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể như đã nói trên.
Như vậy, đối với việc xây dựng NHTT “Mộc Thái Yên” theo chúng tôi trước mắt cần giải quyết một số nội dung quan trọng như: xác định tổ chức đứng tên sở hữu để đăng ký nhãn hiệu tập thể và chủ thể quản lý – khai thác nhãn hiệu tập thể về sau; xác định được những đặc tính nhất định đặc trưng riêng của “Mộc Thái Yên”, xây dựng bản đồ khoanh vùng sản xuất ra sản phẩm mang NHTT; xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể. Tất nhiên, để xây dựng NHTT “Mộc Thái Yên” một cách hiệu quả và phát huy tối đa vai trò của nhãn hiệu không phải ngày một ngày hai mà cần một quá trình với chiến lược và sự đầu tư hợp lý, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng từ chính quyền, doanh nghiệp, đến hộ dân. Trong đó, đơn vị chủ trì cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xây dựng NHTT từ đó kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để việc xây dựng NHTT sớm triển khai và đạt hiệu quả tốt nhất./.