TTO – Sau thời gian phát triển rầm rộ, hiện nay việc đầu tư điện mặt trời áp mái tại khu vực phía Nam có dấu hiệu chựng lại. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người lo lắng là giá mua điện có khả năng thay đổi.
Hiện Bộ Công thương đã trình dự thảo quyết định sửa đổi thay thế quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Người dân, doanh nghiệp đắn đo
Là địa phương đang bùng nổ về phát triển điện mặt trời, thế nhưng thời gian gần đây, theo số liệu từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM và các đơn vị cung cấp tấm pin thì lượng khách hàng tại TP.HCM giảm đi đáng kể. Nhiều khách hàng còn đắn đo vì đợi giá mua điện mới Bộ Công thương đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chia sẻ tại hội nghị xúc tiến, phát triển điện mặt trời áp mái mới đây, ông Đoàn Minh Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp – thương mại Củ Chi, cho biết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có điều kiện thuận lợi vì có diện tích mái lớn để lắp đặt điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện còn băn khoăn giá mua điện mặt trời sẽ có sự thay đổi nên chưa dám đầu tư.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Trung, chánh văn phòng Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM, cho biết sở này cũng đắn đo việc lắp đặt điện mặt trời áp mái.
“Do chưa biết mức giá mới thế nào nên chúng tôi không thể lên phương án tài chính và báo cáo trình cấp trên phê duyệt. Là cơ quan nhà nước nên chúng tôi không có vốn đầu tư ban đầu và phải cần có kế hoạch, đề án cụ thể mới xin đầu tư công được. Mọi công đoạn đã chuẩn bị hết, chỉ còn vướng mức giá là có thể làm được” – ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm sau khi Sở Giáo dục – đào tạo TP.HCM lắp đặt được sẽ nhân rộng ra cho hệ thống các trường học trên địa bàn thành phố. TP.HCM có rất nhiều trường nên khi các trường lắp đặt đồng bộ có thể tạo ra một nguồn cung cấp điện công suất lớn.
Không chỉ các trường học, cơ sở sản xuất… mà nhiều người dân tại khu vực miền Tây Nam Bộ cũng thấp thỏm trông chờ vào giá mua mới được ban hành để tính toán lắp đặt. Ông Lê Quốc Nam, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết gia đình ông đầu tư gần 120 triệu đồng lắp đặt thiết bị điện mặt trời với công suất 5,5kWp.
Sau hai tháng hoàn thiện lắp đặt và gia đình đã phát bán điện cho điện lực, nhưng do lắp đặt sau ngày 30-6 nên chỉ số điện vẫn đang được Công ty Điện lực Cần Thơ ghi nhận để chờ khi có giá điện mới sẽ thanh toán sau (theo quy định, các trường hợp lắp đặt điện mặt trời trước ngày 30-6 được mua 9,35 cent, còn sau thời điểm này phải chờ quy định mới về giá mua điện – PV).
“Tôi rất lo chưa biết giá điện mới sẽ như thế nào, hi vọng giá điện mặt trời mới bằng hoặc hơn giá cũ để người dân yên tâm và tiếp tục ủng hộ chủ trương phát triển điện năng lượng mặt trời” – ông Nam nói.
Khách hàng lắp đặt giảm mạnh
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính đến hết tháng 8-2019, TP có 3.923 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, công suất điện mặt trời đã lắp đặt đạt 44,56 MWp. Trong đó có 3.829 khách hàng đã nối lưới và đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện. Tổng số tiền phía công ty đã thanh toán cho khách hàng là trên 4,7 tỉ đồng.
Kể từ ngày 1-7 đến nay, đối với các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có nhu cầu nối lưới, các công ty điện lực trên địa bàn TP.HCM vẫn thực hiện việc nối lưới như trước ngày 30-6. Hằng tháng các công ty điện lực vẫn thực hiện việc ghi nhận lượng điện phát lên lưới. Tuy nhiên, do chưa có quy định về giá mua bán điện phát lên lưới nên chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời và chưa thực hiện được việc thanh toán với các chủ đầu tư.
Thực tế qua theo dõi, số lượng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà nối lưới trong tháng 8 vừa qua giảm nhiều so với cao điểm tháng 6. Cụ thể, tại TP.HCM trong tháng 6 có 856 công trình điện mặt trời nối lưới với tổng công suất là 11,01 MWp nhưng qua tháng 8 số lượng công trình giảm còn 557 (giảm 35% về số lượng công trình và giảm hơn 50% về công suất).
Tương tự, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (phụ trách 21 tỉnh thành phía Nam) cho biết hiện nay tổng công suất điện mặt trời nối lưới mà người dân bán cho công ty khoảng 150MWp. Cũng theo vị đại diện này, thời gian gần đây lượng khách hàng đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái có dấu hiệu chững lại do vướng về giá mua điện mới chưa được ban hành.
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất giữ nguyên giá mua điện cũ để khuyến khích người dân lắp đặt và tạo sự công bằng cho người lắp trước, lắp sau” – vị đại diện trên chia sẻ.