Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ thành những mô hình hợp tác liên doanh, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.Dù không có nhiều thế mạnh, nhưng sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, an toàn vệ sinh thực phẩm đang được Hà Tĩnh xác định là vấn đề “sống còn” để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trên nhiều lĩnh vực, sản xuất hữu cơ đã và đang được người dân các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từng bước đưa lại giá trị kinh tế cao, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Có thể nhận thấy một thực tế hiện nay là việc sản xuất, canh tác của bà con còn dựa quá nhiều vào các loại phân bón hoá học và lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Những điều về lâu, về dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất khi đất canh tác bị nhiễm độc, mất dần độ màu mỡ, làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng, ảnh hưởng đến thu nhập và cả môi trường sống của bà con. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp hiệu quả chính là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của bà con nông dân, khuyến khích bà con phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản của bà con. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.
Mặc dù đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh chưa được công nhận sản phẩm cây trồng nào đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng với những lợi ích to lớn, Hà Tĩnh đã định hướng và từng bước xây dựng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Để cụ thể hoá mục tiêu tạo sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh vườn cam, bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 5ha tại xã Hương Thủy, xã Lộc Yên (Hương Khê) và xã Đức Lĩnh (Vũ Quang). Sau 1 năm triển khai thực hiện, 5ha cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đều sinh trưởng, phát triển tốt hơn trong điều kiện nắng hạn và cho năng suất cao. Điều này đã cho thấy khi tăng cường chất hữu cơ vào đất thì khả năng giữ nước, giữ phân của đất tốt hơn. Việc cung cấp chất dinh dưỡng cho rễ (qua phân bón) hay lá (bằng chế phẩm) bước đầu đã phát huy hiệu quả trong điều kiện sản xuất khắc nghiệt như năm nay.
Cùng với thành công của mô hình thâm canh cam, bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì vụ hè thu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP”, tại các xã Kỳ Giang – huyện Kỳ Anh (20 ha); Cẩm Thành – huyện Cẩm Xuyên (20 ha); Thạch Liên –huyệnThạch Hà (11 ha) và Yên Hồ – huyệnĐức Thọ (20 ha). Mặc dù nắng hạn gay gắt kéo dài hàng tháng, nhưng những cánh đồng lúa hữu cơ ở Hà Tĩnh vẫn trải dài một màu xanh ngắt và cho vụ mùa bội thu theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hàng hóa, năng suất đạt 53 – 56 tạ/ha.Với thành công bước đầu hướng dẫn cho nông dân tiếp cận với mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch, định hướng sau 3 vụ sản xuất sẽ bắt tay xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Hà Tĩnh” tạo chuổi sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có đất bãi ven sông La, là vùng nước lợ, ảnh hưởng bởi thủy triều, phù hợp cho sự phát triển của rươi, cáy, kết hợp để sản xuất lúa hữu cơ, là những loại đặc sản có giá trị đã mang lại nguồn thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Những năm gần đây, các hộ dân ở các xã Yên Hồ, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh, huyện Đức Thọvới vùng quy hoạch 112,2ha đã đắp bờ, cải tạo đồng ruộng, cống lấy nước tại các bãi bồi ven sông La và trồng cây lúa tạo điều kiện cho con rươi tự nhiên sinh trưởng, phát triển. Mô hình này đã áp dụng tác động cộng sinh giữa con rươi, cáy và cây lúa; do đặc thù sinh trưởng của loài rươi cần môi trường sống giàu chất mùn không có tồn dư của các tác nhân hóa chất độc do dư thừa từ phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật,nên khi trồng lúa người dân hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Cây lúa sinh trưởng trong điều kiện sử dụng dinh dưỡng từ các nguồn phân chuồng hoai mục và chất thải trong quá trình đồng hóa của con rươi. Sản phẩm rươi, cáy, lúagạo hữu cơ trên ruộng rươi đang được nhiều người quan tâm, ưa chuộng. Sản phẩm làm ra đến đâu được người dân thu mua đến đó.
Với mục tiêu xây dựng được quy trình chuyển đổi sản xuất thâm canh cam chanh, bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn hữu cơ áp dụng hiệu quả trên các vườn cam chanh và bưởi Phúc Trạch hiện có; xây dựng thương hiệu sản phẩm cam chanh, bưởi Phúc Trạch hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam chanh, bưởi Phúc trạch tại Hà Tĩnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển sản xuất bền vững. Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng dự án “Nghiên cứu, xây dựng quy trình chuyển đổi sản xuất thâm canh vườn cam Chanh, bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh” trong thời gian từ năm 2021 – 2023 nhằm giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều hóa chất,… đang ngày một gia tăng làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi sinh và môi trường.
Bên cạnh đó, việc đưa công nghệ, khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đang được nông dân Hà Tĩnh quan tâm và triển khai áp dụng vào thực tiễn. Các mô hình trồng rau quả trong nhà kính, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, bao trái cho cây ăn quả, dùng chất dẫn dụ để bẫy côn trùng,… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng, vườn hộ trên địa bàn tỉnh.
Phong trào nông nghiệp hữu cơ đã hình thành và phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh, qua các mô hình cho thấy bước đầu đã đạt được những thành công nhất định, là minh chứng cho khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Trong tương lai gần, phát triển nền nông nghiệp sạch cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu người dân là điều tất yếu. Với sự nỗ lực của chính quyền và bà con nông dân, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ sẽ trở thành thói quen và người dân Hà Tĩnh sẽ được sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch được sản xuất tại địa phương.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi mà tỉnh Hà Tĩnh đang hướng tới. Bởi ngoài mục đích phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, thì việc gia tăng các giá trị từ nông nghiệp, có sức hút đối với thị trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay đang là động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế – xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát triển./.
Theo Nguyễn Hữu Ngọc/khuyennonghatinh.com