Doanh nghiệp nhỏ lo bán hàng tốt là được, làm thương hiệu để mai tính? Thực tế thì xây dựng thương hiệu không chỉ là câu chuyện dành cho các “ông bự”, và cũng không quá vĩ mô ngoài tầm với. Đã có nhiều thương hiệu nhỏ với ngân sách khiêm tốt vẫn xây dựng được một nền tảng nhận diện thương hiệu thành công.
Trước tiên, hãy đọc bài viết Khi nào thì nên đầu tư xây dựng thương hiệu để biết đâu là thời điểm vàng để bạn triển khai chiến lược thương hiệu của mình.
BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU
Cố gắng thu hút tất cả mọi người – đó là một lỗi phổ biến bạn nên tránh. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ với ngân sách dằn túi không nhiều, hãy khôn ngoan chọn đúng đối tượng mà mình muốn “thả thính”.
KHÁCH HÀNG CỦA BẠN TRÔNG RA SAO?
Càng nắm được nhiều thông tin về khách hàng trong tay, bạn sẽ càng cảm thấy gần gũi với họ và biết phải tiếp cận như thế nào. Thử trả lời những câu hỏi sau:
▪️ Họ là nam hay nữ?
▪️ Họ bao nhiêu tuổi?
▪️ Họ sống ở đâu?
▪️ Địa vị xã hội, thu nhập?
▪️ Thói quen và sở thích?
▪️ Họ thường mua sắm ở đâu?
▪️ Họ có sử dụng mạng xã hội không?
Bài viết 5 bước xác định và phân tích khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn phác họa được rõ nét đối tượng mình đang muốn “chinh phục”.
Khách hàng của bạn đang gặp phải những vấn đề gì?
Thử tưởng tượng bạn đang muốn “tán đổ” một chàng trai, cô gái nào đó, ngoài việc thấu hiểu hành vi, sở thích, đường đi nước bước của đối tượng, quan tâm và giúp đỡ những vấn đề mà họ đang gặp phải sẽ giúp bạn ghi 10 điểm tinh tế.
Phát hiện ra vấn đề khiến họ than thở khóc lóc thì cũng chưa tinh tế mấy. Bạn phải tìm ra thứ làm họ trăn trở từ sâu trong tâm thức, không nói ra, thậm chí không nhận ra, nhưng có tồn tại. Và chúng ta lại quay về câu chuyện muôn thuở: Inisght.
Tìm insight chưa bao giờ là dễ. Những doanh nghiệp “bạo vì tiền” thì sẵn sàng thuê một đội ngũ nghiên cứu thị trường hùng hậu để “đào” cho ra insight khách hàng. Doanh nghiệp nhỏ không có điều kiện thì sao? Bạn vẫn có thể tìm tốt với 8 kỹ thuật nghiên cứu thị trường ít tốn kém này.
Có rất nhiều các loại nước ngọt có gas, tại sao bạn lại uống Pepsi chứ không chọn Coca?
Thương hiệu là thứ làm cho bạn khác biệt với những đối thủ trên thị trường, và khiến khách hàng lựa chọn bạn chứ không phải đối thủ.
Bán đắt hơn đối thủ cũng được. Phạm vi cung cấp nhỏ hơn cũng chưa hẳn đã không hay.
Cái bạn không muốn là bị giống như mọi người.
Những thương hiệu thành công nhất có khả năng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có vị trí rõ ràng trên thị trường. Vậy, muốn mình khác biệt, phải hiểu đối thủ hiện đang như thế nào.
Đầu tiên, xác định đối thủ của bạn là ai, thu thập mọi thông tin về họ, từ website, fanpage, báo chí,…
Tiếp theo, trả lời những câu hỏi:
▪️ Chất lượng sản phẩm, dịch vụ của họ thế nào?
▪️ Giá cả ra sao?
▪️ Các kênh phân phối?
▪️ Các kênh truyền thông?
▪️ Màu sắc nào được sử dụng trong thương hiệu của họ?
▪️ Dịch vụ chăm sóc khách hàng có tốt không?
▪️ Họ đang sử dụng những nền tảng và phương tiện truyền thông xã hội nào?
▪️ Họ có sáng tạo không?
▪️ Giá trị công ty họ là gì?
Xác định được những yếu tố này sẽ giúp bạn biết nên định vị mình sao cho khác biệt. Chẳng hạn mọi người đều cung cấp sản phẩm giá rẻ thì bạn có thể định vị thương hiệu mình với những sản phẩm cao cấp.
Cũng đừng vội vàng nhảy vào chỉ vì bạn thấy có một khoảng trống. Hãy tìm hiểu xem có nguyên nhân nào khiến mọi người đều “né” khu vực đó ra.