Đại gia Xuân Trường muốn xây khu du lịch tâm linh hơn 1.500 ha ở Hải Dương; Căn hộ tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán gần 9 tỷ đồng gây xôn xao… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Đại gia Xuân Trường muốn xây khu du lịch tâm linh hơn 1.500 ha ở Hải Dương
Theo thông từ UBND tỉnh Hải Dương, lãnh đạo UBND tỉnh vừa có cuộc họp để nghe phương án ý tưởng quy hoạch và đề xuất chủ trương đầu tư dự án tôn tạo Hồ Thanh Long thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Theo phương án, ý tưởng quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hồ Thanh Long của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là sẽ trở thành một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với các loại hình du lịch đặc trưng là lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái. Dự án tôn tạo các di tích lịch sử, khôi phục tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút khách thập phương.
Toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch Dự án hồ Thanh Long có tổng diện tích khoảng 1.502 ha. Việc xây dựng, tôn tạo tháp thờ Phật, tháp chuông… có tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối nhau bằng hệ thống đường ngầm dưới lòng hồ.
Đại gia Nguyễn Văn Trường – ông chủ doanh nghiệp Xuân Trường – còn được biết đến với hàng loạt dự án tâm linh “khủng” nằm rải rác ở Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nội và Hải Phòng…
Thu từ chứng khoán, đất đai tăng đột biến, đại biểu Quốc hội lo rủi ro
Thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) quan tâm tới cơ cấu thu ngân sách Nhà nước. Theo đại biểu, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Đại biểu Thơ đặt vấn đề vậy có hay không hiện tượng nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra rồi lại quay vòng tiếp và vòng mới là tài sản. Nữ đại biểu lo bong bóng chứng khoán, bất động sản.
Cũng theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạng cao. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.
Căn hộ tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán gần 9 tỷ đồng gây xôn xao
Mới đây, trên một diễn đàn mua bán bất động sản (BĐS) Hà Nội xuất hiện thông tin rao bán căn hộ tập thể tầng 3 trong ngõ ô tô vào được trên phố Hàng Bông, có diện tích 100 m2 trong đó 80 m2 sổ đỏ và 20 m2 cơi nới với giá 8,5 tỷ đồng (tương đương 85 triệu đồng/m2) thu hút sự quan tâm của nhiều người.
“Hôm trước đã có khách trả giá 7,5 tỷ đồng nhưng chủ nhà chưa bán vì giá rao là 8,5 tỷ đồng. Nhiều người không biết thì nói giá đó cao nhưng nếu ở phố cổ mà tìm được căn hộ 100 m2 không hề dễ, trong khi đó giá đất ở mặt đường phố cổ bây giờ đều ở mức hơn tỷ đồng/m2 thì không nghĩa gì đất trong ngõ không thể ở mức 80 -100 triệu đồng/m2”, người đăng tin cho biết.
Cũng theo người này, vì là nhà tập thể nên xây dựng đã lâu, không thể đòi hỏi chuyện mới được. Đồng thời đồ nội thất trong nhà chỉ còn bộ sofa phòng khách là có giá trị, còn lại hầu như đã quá cũ. Điều đáng nói là sau khi đăng tải, bài rao bán trên liên tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, một số người viết: “Ngáo giá”, “Giá này mua được cả biệt thự nhỏ bên Long Biên rồi”, “8,5 tỷ đồng là mua được chung cư cao cấp đủ nội thất, sang trọng nhất Hà Nội đâu cần ở nhà tập thể cũ nát làm gì”, “Giá này khó bán vì với tầm tiền này có nhiều lựa chọn tốt hơn”…
Hà Nội hủy kết quả trúng đấu giá ô đất khiến nữ tướng Vimedimex bị bắt
Như đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 8 bị can trong đó có Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y dược Vimedimex – về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Kết quả điều tra ban đầu xác định tháng 8/2020, Ban quản lý dự án huyện Đông Anh tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Khu đất ban đầu được xác định có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng, các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỷ đồng.
Ban đầu Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định khu đất này có giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên bị can Loan đã thông đồng với cán bộ của ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất xuống thấp hơn giá trị thực.
Các bị can đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ thẩm định giá và hạ giá trị khu đất xuống còn 300 tỷ đồng. Hội đồng thẩm định giá đất đã duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá khu đất trên.
Phía sau hàng nghìn tỷ đồng tồn kho của loạt đại gia bất động sản
Trong thời gian qua, cổ phiếu bất động sản là một trong những nhóm ngành chứng kiến cơn sóng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, bức tranh tài chính quý III cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản thực tế đang đối diện không ít thách thức, đơn cử như giá trị hàng tồn kho tăng lên.
Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG), giá trị hàng tồn kho đến cuối tháng 9 lên tới gần 18.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng tài sản. Hàng tồn kho của Nam Long cao gần gấp 3 lần so với hồi đầu năm nay, chủ yếu là bất động sản dở dang. Nếu tính riêng trong quý III, giá trị tồn kho của Nam Long đã tăng thêm hơn 3.900 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR) hạch toán giá trị hàng tồn kho tăng 28% sau 3 quý, đạt gần 12.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9. Trong đó, tồn kho của Phát Đạt chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản đang triển khai.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)
Theo Báo : Dân Trí