Đối với mỗi người cha, người mẹ, con cái là “tài sản vô giá”, là niềm hạnh phúc, là hi vọng, là một phần “máu thịt” của họ. Chính bởi vậy, dù có những lúc tình cảm của những người cha – mẹ, vợ chồng đi vào bế tắc, dẫn đến việc ly hôn thì cũng không thể chia cắt được quan hệ cha – con, mẹ – con. Có lẽ vì vậy mà khi ly hôn – chấm dứt quan hệ hôn nhân thì vấn đề xác định quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là một vấn đề luôn được các bên trong quan hệ hôn nhân quan tâm, thậm chí có tranh chấp với nhau, “giành giật” với nhau. Vậy quyền nuôi con khi ly hôn được hiểu như thế nào? Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn? Để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong phạm vi bài viết sẽ đề cập đến các nội dung về quyền nuôi con khi ly hôn.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì nội dung quy định về quyền nuôi con khi ly hôn và cách giành quyền nuôi con khi ly hôn được quy định cụ thể trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về một số khái niệm chung.
Ly hôn, căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, được hiểu là sự kiện dẫn đến việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, quan hệ vợ chồng theo nội dung bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Về “quyền nuôi con khi ly hôn” (hay còn gọi là quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn): Hiện nay trong quy định của các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định nào về khái niệm “quyền nuôi con khi ly hôn”. Tuy nhiên có thể hiểu, “quyền nuôi con khi ly hôn” được hiểu là quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, và giáo dục con của vợ hoặc chồng sau khi có quyết định ly hôn của Tòa án. Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc quyết định về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, chỉ áp dụng đối với trường hợp con chưa thành niên (tức con dưới 18 tuổi) và con đã thành niên (trên 18 tuổi) nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (thường do bị hạn chế về thể chất, tâm lý hoặc bệnh khác gây nên). Điều đó có nghĩa, nếu con đã trên 18 tuổi và đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì việc quyết định ở với ai hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người con này, và không xem xét tại thời điểm ly hôn.
Thứ hai, quy định về quyền nuôi con khi ly hôn và cách giành quyền nuôi con khi ly hôn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì dù tình trạng hôn nhân của cha mẹ như thế nào, đã ly hôn hay chưa, và ai sẽ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa đủ 18 tuổi, con đã trên 18 tuổi mà mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, cũng không có tài sản để tự nuôi mình.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật, khi ly hôn, việc quyết định ai sẽ là người được trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ của người cha, người mẹ đối với con, trước hết hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của người cha, người mẹ (tức vợ – chồng trong quan hệ hôn nhân).
Trường hợp, vợ – chồng không thể thỏa thuận được về việc nuôi con (tức là có tranh chấp trong việc quyết định người trực tiếp nuôi con) thì việc giải quyết quyền nuôi con khi ly hôn sẽ được xác định theo quyết định của Tòa án trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành về hôn nhân gia đình. Cụ thể như sau:
- Đối với con dưới 36 tháng tuổi (tức là dưới 03 tuổi):
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khi vợ chồng có tranh chấp về quyền trực tiếp nuôi con mà con hiện đang dưới 36 tuổi thì quyền nuôi con được ưu tiên giao trực tiếp cho người mẹ nuôi, trừ trường hợp người mẹ không có bất cứ khả năng nào để nuôi con, không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng và giáo dục con; hoặc cha và mẹ đã có sự thỏa thuận khác về việc nuôi con mà sự thỏa thuận này là phù hợp với lợi ích của con.
Nội dung quy định này là để nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người mẹ và con – những đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời là phù hợp khi mà đứa trẻ dưới 03 tuổi – độ tuổi còn rất nhỏ, cần sự trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng trực tiếp từ người mẹ.
Có thể thấy, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, thì quyền trực tiếp nuôi con dưới 03 tuổi sẽ được giao cho người mẹ khi người mẹ có khả năng và điều kiện chăm sóc con. Điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con của người mẹ thường thể hiện qua điều kiện về kinh tế, về tinh thần, về môi trường sống, thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng con, và trong trường hợp này, những điều kiện này của người mẹ không yêu cầu phải tốt hơn người chồng mà chỉ cần đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người con để cho thấy khả năng chăm sóc con.
Tuy nhiên, cần lưu ý, mặc dù pháp luật có sự ưu tiên cho người mẹ đối với con dưới 03 tuổi, nhưng nếu tại thời điểm ly hôn, người mẹ thuộc một trong các trường hợp bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 85 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 hoặc người mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự do yếu tố về tâm lý hoặc do bệnh mà không có khả năng tự nuôi mình thì dù con dưới 36 tháng tuổi, Tòa cũng không thể giao quyền trực tiếp nuôi con cho người mẹ này.
Trong đó, các trường hợp bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ bao gồm các trường hợp:
– Người cha, mẹ bị Tòa án kết án về một trong những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm của người con này với lỗi cố ý, hoặc có hành vi khác vi phạm nghiêm trọng quyền của cha mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con.
– Cha, mẹ có hành vi cố ý làm hư hỏng, hủy hoại hoặc phá tán tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của con.
– Cha, mẹ có lối sống trụy lạc, dâm loạn, đồi trụy.
– Cha mẹ xúi giục, ép buộc con phải thực hiện những hành vi trái pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, ví dụ như xúi giục con giết người, trộm cắp…
Nếu như người mẹ hoặc người cha thuộc vào một trong những trường hợp được quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 được xác định ở trên thì dù con có dưới 36 tháng tuổi hay không, người cha, người mẹ vẫn bị xác định là bị hạn chế quyền nuôi con trong một thời hạn này, do vậy, người này sẽ không được giao quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn trong thời gian này.
- Đối với con từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi (tức từ đủ 03 tuổi dưới 07 tuổi):
Khi vợ, chồng có tranh chấp về quyền nuôi con mà khi ly hôn con của họ đã từ đủ 36 tháng tuổi trở lên đến dưới 07 tuổi thì trường hợp này, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quyền được trực tiếp nuôi dưỡng con của cha và mẹ khi ly hôn được xác định là ngang nhau, tức là cả cha và mẹ đều có cơ hội ngang nhau trong việc giành quyền nuôi con khi ly hôn. Trường hợp này, Tòa án sẽ giao con cho một bên (cha hoặc mẹ) trên cơ sở xem xét, so sánh điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của cả cha và mẹ và các quyền lợi về mọi mặt của con. Cụ thể, điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con được thể hiện qua các khía cạnh sau:
– Điều kiện về kinh tế: Để giành được quyền trực tiếp nuôi con thì người cha, người mẹ phải chứng minh điều kiện kinh tế của họ, bởi, việc xác định điều kiện kinh tế sẽ cho thấy khả năng tài chính cũng như thu nhập của người này, là căn cứ để xác định khả năng đáp ứng tối thiểu những nhu cầu tối thiểu của người con như ăn, mặc, học hành, vui chơi. Điều đó có nghĩa, pháp luật chỉ yêu cầu người trực tiếp nuôi con phải đáp ứng những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dưỡng, chăm sóc người con này. Điều kiện về kinh tế của người trực tiếp nuôi con thường thể hiện qua thu nhập, công việc cũng như tài sản của người này.
Trường hợp này, để giành được quyền trực tiếp nuôi con, vợ, chồng cần cung cấp các căn cứ, chứng cứ chứng minh về tài chính, cũng như điều kiện kinh tế của mình, đảm bảo cuộc sống của con tốt hơn so với người còn lại. Tuy nhiên, việc có lợi thế về kinh tế cũng chỉ là một trong những yếu tố để Tòa án xem xét để quyết định về quyền nuôi con của vợ, chồng, chứ không phải là căn cứ quyết định.
– Điều kiện về tinh thần:
Điều kiện về tinh thần được hiểu là những yếu tố tác động về tinh thần, và sự phát triển về nhân cách của người con. Thông thường, điều kiện về tinh thần gồm những yếu tố sau:
Vợ/chồng muốn giành quyền trực tiếp nuôi con thì phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, không liên quan đến tệ nạn xã hội, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành, định hướng và phát triển nhân cách của người con. Đồng thời, người cha/mẹ của con phải là người có sức khỏe tốt, có thể đảm bảo được việc trông nom, chăm sóc và giáo dục con, bởi nếu người cha/mẹ không thể tự lo cho mình thì không thể nào chăm sóc cho người con tốt được.
Ngoài ra, điều kiện về tinh thần còn được xem xét qua điều kiện thời gian chăm sóc nuôi dưỡng con. Theo đó, người nào dành được nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con sẽ có lợi thế khi xem xét về quyền trực tiếp nuôi con. Bởi yếu tố này cho thấy thời gian để cha mẹ dành sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương dạy bảo con, tạo điều kiện cho con nhận được đầy đủ sự yêu thương của cha mẹ, hoàn thiện và phát triển nhân cách tốt. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng con thường được xác định dựa trên tính chất công việc, thời gian làm việc của cha mẹ. Do vậy, với những người làm công việc phải thường xuyên đi công tác xa, hay đi sớm về muộn sẽ bất lợi hơn so với những người làm công việc theo giờ hành chính cố định hoặc thời giờ làm việc linh hoạt, hay làm các công việc tại nhà khi xem xét về quyền trực tiếp nuôi con.
– Điều kiện về môi trường sống: Người được giao quyền trực tiếp nuôi con phải là người tạo ra môi trường sống tốt cho con. Bởi môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con. Việc con được sống trong môi trường sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, hay xác môi trường bạo lực là một trong những yếu tố để Tòa án quyết định về việc giao quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn.
Trên cơ sở các yếu tố này, Tòa án sẽ xem xét cả điều kiện của cả cha và mẹ, đồng thời xem xét lợi ích về mọi mặt của con, từ đó quyết định giao con cho một bên vợ hoặc chồng khi giải quyết ly hôn.
- Đối với con từ đủ 07 tuổi trở lên:
Trong trường hợp con chung của vợ chồng đã từ đủ 07 tuổi trở lên mà khi ly hôn, vợ chồng có tranh chấp về quyền trực tiếp nuôi con thì trường hợp này căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án vẫn xem xét điều kiện của cha và mẹ, quyền lợi về mọi mặt của con (như đối với trường hợp con trên 03 tuổi mà dưới 07 tuổi) nhưng đồng phải dựa trên ý kiến, nguyện vọng của người con.
Trường hợp này, mặc dù cơ hội giành quyền của vợ và chồng là ngang nhau, nhưng nguyện vọng của người con muốn ở với cha hay với mẹ là một trong những yếu tố quan trọng trong việc Tòa án xem xét quyền trực tiếp nuôi con của vợ, chồng.
Như vậy, qua phân tích nêu trên, có thể thấy, việc giành quyền nuôi con là một trong những vấn đề quan trọng cần phải giải quyết khi thực hiện việc ly hôn – chấm dứt quan hệ hôn nhân, gia đình giữa vợ, chồng. Về vấn đề này, pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên, trong trường hợp không thỏa thuận được, dẫn đến việc tranh chấp thì Tòa án sẽ quyết định về quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trên cơ sở nội dung quy định của pháp luật, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con của cha và mẹ, quyền là lợi ích hợp pháp về mọi mặt của người con. Cho dù như thế nào, việc ly hôn là việc giữa vợ và chồng nhưng người gánh chịu hậu quả từ sự kiện ly hôn này lại là những người con. Do vậy, quyết định về quyền trực tiếp nuôi con đều phải đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con sẽ có trách nhiệm cấp dưỡng, hỗ trợ nuôi con theo quy định của pháp luật.