Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng không gian sống của bạn. Không những thế ánh sáng vừa là yếu tố kỹ thuật vừa là yếu tố thẩm mỹ đóng vai trò hoàn thiện công năng của công trình.
Dựa vào nguồn gốc có thể chia ánh sáng kiến trúc thành ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng tự nhiên sẽ được tận dụng thông cách bố trí cửa sổ, giếng trời, các không gian mở,..Còn ánh sáng nhân tạo có thể kể từ nguồn sáng thô sơ như nến, đèn điện,…mang nhiều đặc tính và ưu điểm khác nhau bởi ánh sáng loại này có thể vừa sinh động rực rỡ, vừa có thể tạo cảm giác thư giãn.
Chính vì thế bố trí ánh sáng sao cho phù hợp là điều cần thiết, bởi một không gian sống không những cần thoải mái, tiện nghi mà còn phải đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Vậy hãy tham khảo những cách dưới đây để “nâng tầm” chất lượng cuộc sống của bạn.
Phòng khách
Đây là nơi tâm điểm của cả căn nhà, bởi đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động: tiếp đón khách đến nhà, cả gia đình thư giãn sau một ngày làm việc, tụ tập giải trí với bạn bè,..Vì vậy ánh sáng phòng khách cần đa dạng và đầy đủ để đáp ứng nhu cầu. Luôn chiếu sáng tổng quát trực tiếp từ đèn trần, hoặc có thể tô điểm thêm các quầng sáng hoặc mảng sáng từ đèn ốp tường hay hắt sáng,…
Song song với đó là tận dụng ánh sáng tự nhiên để không gian trở nên cởi mở, tươi sáng hơn. Tùy vào trang trí của phòng khách để sắp xếp ánh sáng cho hợp lý, nếu có thêm tranh ảnh hoặc kệ trang trí thì có thể thiết kế thêm nhóm đèn chiếu sáng có điều khiển riêng để điều chỉnh độ sáng cho phù hợp.
Phòng ăn
Tương tự như phòng khách nguyên tắc chiếu sáng kết hợp cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo cũng áp dụng cho phòng ăn. Đặc biệt quan trọng là ánh sáng của bàn ăn, bởi ánh sáng sẽ đem lại cảm giác ấm cúng, đem lại cảm giác vui vẻ và ngon miệng hơn của các thành viên trong gia đình khi dùng bữa.
Ngoài chiếu sáng tổng quát, bàn bếp cũng cần được chiếu sáng chuyên biệt, thông thường là kết hợp thiết bị chiếu sáng vào mặt dưới của tủ bếp, để việc nấu ăn được thuận tiện hơn.
Phòng làm việc
Ánh sáng phòng làm việc hoặc phòng học đa số đều là ánh sáng nhân tạo. Phương án được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất là đèn trần hoặc đèn tường kèm theo các loại đèn bàn hoặc đèn đứng phù hợp. Tuy nhiên cần kết hợp thêm với ánh sáng tự nhiên, để đem lại cảm giác thư giãn.
Để mắt không bị mỏi cần lưu ý phải tuân thủ tiêu chuẩn về cường độ tránh tương phản quá lớn.
Phòng tắm/Nhà vệ sinh
Đây là không gian ít khi được chú ý đến, bởi đây được coi như không gian riêng của những người trong gia đình nên không được quan tâm về ánh sáng. Thế nhưng một phòng tắm được bố trí ánh sáng một cách tinh tế và hợp lý sẽ khiến bạn thư giãn hơn mỗi khi sử dụng.
Phòng tắm và nhà vệ sinh nên sử dụng ánh sáng tự nhiên và bố trí đèn chiếu màu vàng. Vì đây là không gian cần ánh sáng tổng quát để tạo cảm giác sáng sủa, sạch sẽ, thuận tiện cho việc di chuyển cũng như vệ sinh.
Ngoài ra nên bố trí gương chiếu sáng để tăng nguồn sáng khuếch tán, tạo nét mới mẻ, bởi nguồn sáng từ hai bên gương giúp chiếu sáng khuôn mặt đồng đều và tạo cảm giác thoải mái.
Phòng ngủ
Phòng ngủ là một nơi riêng tư, là nơi nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, vì vậy ánh sáng tạo được cảm giác thư giãn, an tâm là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong không gian này khuyến khích sử dụng ánh sáng gián tiếp như đèn trần, đèn tường, hắt sáng,… với điều kiện các thiết bị ngày điều chỉnh được độ sáng, tạo cảm giác thoải mái.
Nếu bạn có thói quen có đèn mới có thể yên tâm để nghỉ ngơi hoặc có thói quen đọc sách, các hoạt động trước khi ngủ. Bạn cũng có thể bổ sung thêm đèn giường, đèn bàn, đèn ngủ hoặc đèn đứng, phù hợp nhất là loại đèn có thể linh động có thể xoay, điều chỉnh hướng chiếu sáng để không ảnh hưởng đến người nằm cạnh.
Hành lang dẫn lối
Đây là không gian để kết nối trực tiếp với các không gian sinh hoạt chung đến phòng khách, phòng ăn hay phòng bếp. Tùy vào độ rộng của hành lang mà có thể sử dụng đèn tường ở khu vực này. Hơn thế ngoài trần, trong hành lang nếu có thể hắt sáng lên tường và trần sẽ giúp không gian trở nên thoáng và rộng hơn.
Bố trí các loại đèn trọng tâm, ánh sáng nhẹ, tránh những thiết kế đèn rườm rà ở những nơi diện tích nhỏ hẹp sẽ là phương pháp tối ưu. Chiếu sáng các không gian liền kề dẫn lối nên dùng đèn cùng kiểu dáng và cùng cường độ để tạo nên sự đồng nhất.
Trên đây là những gợi ý DLK, mong rằng thông qua những gợi ý trên sẽ giúp bạn có những sự thay đổi ánh sáng trong không gian sống một cách lý tưởng nhé!