Tâm lý tự thưởng, tự tặng quà cho bản thân là một trong những xu hướng chi tiêu của người Việt dịp cuối năm, theo khảo sát do Facebook thực hiện.
Theo khảo sát do Facebook hợp tác YouGov thực hiện trực tuyến từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, đối với người mua hàng tại khu vực Đông Nam Á trên 18 tuổi nhằm đánh giá thói quen và hành vi mua sắm dịp cuối năm. Ngoài ra, Facebook cũng phân tích nhiều nguồn thông tin trên GlobalWebIndex và dữ liệu trên mạng xã hội từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020.
Nội dung chính
Nhóm người mua sắm trực tuyến tăng
Những người trung niên và lớn tuổi, thuộc thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1980) và Boomers (sinh trước năm 1964) đang là nhân tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng mua sắm trực tuyến và trên các thiết bị di động tại Việt Nam. 62% người dùng trong độ tuổi này quan tâm đến việc “Mua hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng”. 70% thừa nhận mình đã nhắn tin cho ít nhất một cửa hàng trong mùa mua sắm cuối năm.
Mua sắm trên di động ngày càng phổ biến, khi 65% người dùng thế hệ X và Boomers trên toàn cầu cho biết mình phụ thuộc vào các thiết bị di động để mua sắm khi Covid-19 nổ ra. Riêng với người tiêu dùng thuộc thế hệ Boomers, xu hướng mua hàng trên thiết bị di động trong năm 2019 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu mua sắm tăng cao trong các ngày hội
Tại Việt Nam, 82% số người tham gia khảo sát cho biết họ chủ động tìm kiếm các ưu đãi giảm giá trong mùa mua sắm cuối năm, thường bắt đầu từ 10 ngày trước đó. 70% tin rằng Tết là thời điểm săn lùng những chương trình ưu đãi tốt nhất. Trên thực tế, các doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng tăng gần 2-3 lần so với ngày thường trong ba ngày hội mua sắm online tiêu biểu: 11/11, Black Friday (ngày thứ sáu cuối cùng của tháng 11) và 12/12.
Tâm lý tự thưởng cho bản thân
Hành vi tự thưởng, tự tặng quà cho bản thân bằng những điều xa xỉ nho nhỏ sẽ là cách người tiêu dùng tiếp cận với những ngày hội mua sắm lớn và dịp Tết. Nhiều người cho rằng, sau 1 năm “chắt bóp” thì cuối năm là thời điểm lý tưởng để tự thưởng cho bản thân mình những món đồ mà mình muốn. Trung bình có 8/10 người tham gia khảo sát mong muốn tự thưởng cho mình các sản phẩm như thức ăn, thiết bị gia dụng, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Covid-19 thúc đẩy người tiêu dùng khám phá sản phẩm
Tại Việt Nam, 77% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên tìm hiểu thêm nhiều nhóm sản phẩm ngành hàng khác nhau trong mùa mua sắm cuối năm hơn các thời điểm khác trong năm. 79% cho biết họ có thể sẽ thử các nhãn hiệu mới khi mua sắm cho mùa Tết.
Dịp Tết, trải nghiệm mua sắm đa kênh đặc biệt có ý nghĩa với người dùng Việt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. 82% người mua hàng Tết cho biết họ thường nghiên cứu những thứ họ muốn mua trên các kênh trực tuyến trước khi mua tại cửa hàng. Ngay cả khi đang ở cửa hàng, 39% người mua hàng sẽ chuyển sang xem xét trên mạng xã hội.
Sự gắn kết giữa thương hiệu với giá trị cá nhân
40% người mua sắm cuối năm ở Việt Nam muốn tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ chân thật và có thông tin rõ ràng minh bạch. Người tiêu dùng muốn các thương hiệu trở nên “thông minh” và “đáng tin cậy” hơn là “trẻ trung”. Họ cũng cho rằng các video về sản phẩm là cách hữu ích nhất để họ đưa ra quyết định mua hàng.
Đối với thói quen tặng tiền trong dịp Tết, dùng tiền mặt vẫn là cách thực hiện chủ yếu trong các hoạt động biếu tặng tiền. Tuy nhiên, các hình thức tặng tiền không tiếp xúc đang dần được chấp nhận bởi thế hệ trẻ nhờ sự thuận tiện và tính an toàn.
Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng không sử dụng tiền mặt cũng trở nên tăng cao nhờ tính an toàn và tiện lợi. Các app thanh toán hay quẹt thẻ đang dần thay thế phương thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống của người tiêu dùng. Đó là lý do mà nhiều cửa hàng đã bắt đầu tối ưu quy trình thanh toán, bán hàng của mình với các phần mềm bán hàng chuyên nghiệp.
Đây là các xu hướng mua sắm cá nhân của người Việt dựa trên hành vi tiêu dùng cuối năm nay. Hy vọng những thông tin này có thể giúp chủ kinh doanh định hướng rõ ràng hơn, từ đó có thể đưa ra các chiến lược kinh doanh cũng như xây dựng chương trình ưu đãi phù hợp nhất.