Lợi ích kép từ điện mặt trời trên mái nhà

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN). Tiếp đó, Bộ Công Thương đã khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại Việt Nam (giai đoạn 2019-2025) nhằm thúc đẩy sự phát triển ĐMTMN một cách bền vững.

Theo phân tích của các chuyên gia năng lượng, có rất nhiều lợi ích mà ĐMTMN đem lại cho nhà nước và người tiêu dùng điện. Đối với nhà nước là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao. Mặt khác nếu được khuyến khích phát triển ĐMTMN đồng nghĩa với việc giảm tối đa ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện.

Hệ thống ĐMTMN ở Trung tâm Mái ấm tình hồng đang phát huy hiệu quả tích cực

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, sau hơn 1 năm triển khai chủ trương của ngành về việc khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống ĐMTMN, đến nay toàn tỉnh đã có 46 hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tiến hành lắp đặt ĐMTMN với công suất 447 kWp, sản lượng điện phát ra chỉ trong tháng 7/2019 đạt 16.372 kWh. Với giá thành khoảng 20 triệu đồng/1kWp bình quân mỗi hộ gia đình phải mất 80 triệu đồng để lắp đặt 4 kWp quả là một khoản chi phí lớn nhưng hiệu quả mang lại khá bền vững. Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Trị, như trường hợp của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Trung (Vĩnh Linh) lắp đặt hệ thống ĐMTMN có công suất 30 kWp, trong tháng 7/2019 đã phát ra sản lượng điện là 2.517 kWh. Theo giá mua hiện tại đối với ĐMTMN là 2.034 đồng/1kWp, nên trong tháng 7/2019, trường đã bán cho ngành điện 5.371.278 đồng.

Rõ ràng đây là một khoản thu đáng kể để thu hồi nhanh nguồn vốn đầu tư ban đầu và sinh lãi. Trung tâm Mái ấm tình hồng thành phố Đông Hà là đơn vị được Công ty Điện lực Quảng Trị nhận đỡ đầu từ nhiều năm qua. Cuối năm 2018, từ nguồn knh phí của Tổng công ty Điện lực miền Trung đã hỗ trợ xây dựng hệ thống ĐMTMN có công suất 4,32 kWp, sản lượng điện bình quân 18 kWh/ngày; tổng trị giá của công trình là 120 triệu đồng. Giám đốc Trung tâm Mái ấm tình hồng Ngô Quang Mành cho biết, với việc tiếp nhận hệ thống ĐMTMN đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của các cháu, mặt khác giúp cho Trung tâm giảm đáng kể tiền điện sinh hoạt hàng tháng.

Trước đây bình quân mỗi tháng Trung tâm phải trả gần 1,5 triệu tiền điện, sau khi đưa công trình ĐMTMN vào sử dụng hàng tháng Trung tâm Mái ấm tình hồng có thêm một khoản tiền từ việc bán điện cho ngành điện. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2019, Trung tâm đã thu về hơn 500.000 đồng tiền điện, trong quý 1/2019 thu về gần 2 triệu đồng. Nhờ có hệ thống ĐMTMN đã giảm khoảng 50% chi phí tiền điện hàng tháng cho Trung tâm, giúp đơn vị tiết kiệm được một khoản kinh phí để bổ sung vào nguồn sinh hoạt phí cho các cháu. Nhưng điều quan trọng là từ khi đưa hệ thống ĐMTMN vào sử dụng, nguồn điện năng luôn ổn định và chưa có sự cố nào xảy ra.

Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Trị Nguyễn Minh Luận phân tích về những lợi ích thiết thực nếu lắp đặt ĐMTMN. Đối với các hộ gia đình đơn lẻ, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách giá điện bậc thang mà hiện nay đang áp dụng với các hộ tiêu thụ. Khi mà hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN thì sẽ giúp cắt bớt được phần đuôi (tức là những bậc thang cao, giá điện trung bình mà các hộ phải trả sẽ thấp hơn rất nhiều) và như vậy sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng là hộ gia đình. Còn đối với các doanh nghiệp, cơ quan hiện nay chính sách giá điện đang áp dụng theo thời điểm sử dụng. Tức là nếu dùng nhiều vào giờ cao điểm thì giá điện phải trả cao hơn.

Trong khi ĐMTMN khả năng được huy động cao trùng với thời điểm doanh nghiệp phải huy động điện nhiều vào giờ cao điểm. Nếu chỉ tính vào khung giờ buổi sáng, thì lượng điện mặt trời áp mái có thể huy động được từ các nhà công cộng có thể đạt 25-30%, nếu tính thêm cả vào các giờ buổi trưa, cao điểm nắng thì lượng điện huy động có thể lên tới 60-65%. Như vậy sẽ giảm được lượng điện năng phải trả do giá cao đối với các doanh nghiệp, nhà công cộng. Nếu quy định về chênh lệch giá giữa giờ cao điểm và thấp điểm càng nhiều thì lợi ích đạt được càng lớn. Thêm nữa việc lắp đặt ĐMTMN khá dễ dàng do công nghệ phát triển. Vậy nhưng do công tác quảng bá chưa được chú trọng nên người dân thiếu thông tin, mặt khác chi phí đầu tư còn khá cao (khoảng trên dưới 20 triệu đồng cho 1kWp) là nguyên nhân chính khiến các hộ dân chưa quan tâm tới ĐMTMN.

Tuy nhiên, không phải tất cả gia đình, doanh nghiệp lắp ĐMTMN đều thu được lợi ích như nhau. Để đảm bảo hiệu quả, thu được lợi ích các gia đình, doanh nghiệp cần xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố như vị trí nhà, xưởng có bị che bóng bởi nhà bên cạnh, nhà cao tầng, bóng cây…Mái lắp đặt ở các vùng miền khác nhau đem lại hiệu quả kinh tế khác nhau; thiết kế hệ thống điện áp mái phải phù hợp và còn tùy thuộc vào chất lượng thiết bị, thiết kế, lắp đặt… Do đó, gia đình, doanh nghiệp cần cân nhắc, tính toán chi tiết để đem lại hiệu quả kinh tế phù hợp nhất.

Rõ ràng những hiệu ích thiết thực từ ĐMTMN đã được kiểm chứng từ thực tiễn đời sống. Nhưng làm thế nào để khai thác có hiệu quả nguồn năng lượng sạch này, làm thế nào để mọi người dân tích cực hưởng ứng chủ trương này cần phải có sự tham gia hỗ trợ từ phía ngân hàng trong việc huy động vốn lãi suất thấp để đầu tư ban đầu. Một giải pháp quan trọng để thúc đẩy ĐMTMN phát triển trong thời gian tới chính là phải coi trọng công tác truyền thông tới cộng đồng về khả năng đầu tư cũng như lợi ích đạt được từ ĐMTMN.

Hồ Nguyên Kha (Tổng công ty Điện lực miền Trung)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *