Lễ ăn hỏi là một hoạt động truyền thống, đặc biệt cần thiết trong mọi hình thức đám cưới ở Việt Nam. Mỗi bên đại diện nhà trai hoặc nhà gái đều cần có đôi lời phát biểu trước thân nhân hai họ. Nhưng không phải ai cũng tự tin đứng trước đám đông và không biết mình nên nói thế nào sao cho lời văn hợp lý và trôi chảy. Cho nên, hôm nay tôi muốn cung cấp cho các bạn các cách phát biểu trong lễ ăn hỏi hấp dẫn người nghe nhất.
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi còn có tên gọi kiêu sa hơn là lễ đính hôn. Đây là một nghi thức truyền thống trong phong tục cưới hỏi của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Trước kia, lễ ăn hỏi thường diễn ra trước đám cưới không quá 1 tháng. Nhưng ngày nay, để giảm bớt thời gian, người ta thường tổ chức lễ ăn hỏi vào nửa buổi sáng, sau đó sẽ tổ chức đám cưới ngay trong ngày hôm đó.
Tại lễ ăn hỏi, nhà trai đem sính lễ đến nhà gái theo thỏa thuận trước của hai bên gia đình. Sẽ có một đội bê tráp của hai gia đình, mỗi bên cân bằng nam nữ phụ thuộc vào số tráp. Khi đôi bên đã thống nhất lễ ăn hỏi, tức là nhà gái đã chính thức gả con gái, sau lễ, có thể coi hai con của hai nhà đã chính thức trở thành vợ chồng.
Khi nào thì nên phát biểu trong lễ ăn hỏi?
Khi nhà trai đến trao lễ vật, gia đình nhà gái sẽ ra chào hỏi và tiếp đón, sau đó hai dàn nam nữ sẽ bê những mâm tráp được sắp xếp, trang trí gọn gàng tới trước nơi mà nhà gái đã chuẩn bị. Lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trong khoảng nửa giờ đồng hồ nên các đại diện cần nói ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề chính. Sau khi đã hoàn tất, MC nhà gái sẽ mời đại diện nhà trai lên có đôi lời phát biểu trong lễ ăn hỏi. Thời điểm này, còn gì tuyệt vời hơn nếu hai bên gia đình nhờ tới dịch vụ chụp hình cưới để lưu giữ lại những kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
Bài phát biểu lễ ăn hỏi họ nhà trai
Khi sính lễ đã trao tay, nhà gái đặt một phần lễ vật lên bàn thờ tổ tiên, sau đó đại diện nhà trai lên phát biểu. Trong 1 bài phát biểu dù là họ nhà trai hay nhà gái đều nhất thiết cần có những mục sau:
- Phần 1: Lời thưa gửi, giới thiệu tên họ, quan hệ đối với cô dâu/chú rể, lời cảm ơn sự có mặt của mọi người.
- Phần 2: Giới thiệu các thành viên trong gia đình nhà trai
- Phần 3: Mục đích chính khi tham gia lễ ăn hỏi
- Phần 4: Có lời cảm ơn gia đình nhà gái và chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
Sau đây là một mẫu bài phát biểu lễ ăn hỏi họ nhà trai:
“Kính thưa quan viên hai họ, tôi là…(tên), …(quan hệ như thế nào với chú rể) – đại diện cho nhà trai chúc các ông bà, anh em và các cháu sức khỏe dồi dào và đã có mặt đông đủ tại lễ ăn hỏi ngày hôm nay chung vui cùng hạnh phúc của hai cháu…(tên chú rể) và … (tên cô dâu).
Trước tiên, tôi xin giới thiệu các thành viên trong gia đình mình, đây là bố cháu, mẹ cháu,… (có thể có ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột, nên giới thiệu từ cấp bậc cao xuống thấp để phù hợp với phong tục kính trên nhường dưới của người Việt Nam) và nhiều thành viên khác trong đại gia đình nhà chúng tôi.
Qua nhiều tháng ngày yêu nhau và tìm hiểu giữa hai cháu, và đôi bên đều mong muốn tiến tới hôn nhân, gắn bó với nhau trọn đời. Nên theo mong muốn của hai cháu cũng như hai gia đình, hôm nay là ngày lành tháng tốt, gia đình chúng tôi có đem các tráp lễ trầu cau, hoa quả, bánh trái… đến bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với họ nhà gái đã chấp nhận và tin tưởng giao con gái cho gia đình chúng tôi chăm sóc. Bên họ nhà trai chúng tôi mong rằng hai cháu sẽ có cuộc hôn nhân hạnh phúc và đôi bên gia đình cũng sẽ ngày càng gắn bó với nhau hơn.”
Bài phát biểu lễ ăn hỏi họ nhà gái
Sau khi nhà trai đã phát biểu xong, đại diện họ nhà gái nên đáp lại ngay sau đó. Sau đây là mẫu bài phát biểu lễ ăn hỏi họ nhà gái:
“Kính thưa quan viên hai họ, tôi là…(tên), …(quan hệ như thế nào với chú rể) – đại diện cho nhà gái. Trong lễ ăn hỏi ngày hôm nay, nhà gái chúng tôi có đầy đủ các thành viên tham dự là bố cháu, mẹ cháu,… (tương tự như bài phát biểu của nhà trai) và nhiều thành viên khác đang có mặt tại đây.
Trước hết, xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể họ nhà trai đã chuẩn bị lễ vật chu đáo tới thưa chuyện với gia đình chúng tôi. Trước sự chân thành của nhà tôi, chúng tôi hoàn toàn vui vẻ đồng ý để hai cháu tiến tới hôn nhân. Bắt đầu từ giây phút này, hai cháu chính thức trở thành vợ chồng. Sau này, cháu gái đã về bên đó nếu có gì sai sót mong ông bà sẽ dạy dỗ cháu nhiều hơn. Và chúng tôi cũng như tất cả mọi người ở đây chắc chắn đều mong muốn hai cháu hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Một lần nữa tôi xin cảm ơn nhà trai và toàn thể quan khách đã đến chung vui cùng gia đình chúng tôi. Xin mời nhà trai cũng như các ông, các bà và các anh chị em xơi miếng nước miếng trầu, ăn bánh kẹo để chúc phúc cho hai cháu.”
Sau khi kết thúc, đại diện nhà trai sẽ cảm ơn nhà gái và xin phép để chú rể đón cô dâu tới chào đón và mời nước gia đình cùng các quan khách.
Bài phát biểu trong lễ dạm ngõ
Dạm ngõ diễn ra trước lễ ăn hỏi, dạm ngõ chỉ là dịp nhà trai đến nhà gái thưa chuyện hôn sự của các cháu, không yêu cầu nghi lễ và trang phục cầu kỳ. Thật ra không có khuôn mẫu nào cho bài phát biểu trong lễ dạm ngõ, tuy nhiên, cả hai gia đình vẫn nên phát biểu ngắn gọn, mỗi lời lẽ đều thể hiện sự tôn trọng đối phương.
Thường thì mỗi bên không nên có quá nhiều người phát biểu. Dù không hình thức cầu kỳ, nhưng hai gia đình cũng cần có lời chào, giới thiệu, thưa gửi, nói về vấn đề chính. Kết thúc cần cảm ơn, vui mừng phấn khởi vì được kết thành thông gia.
Mẫu bài phát biểu đám cưới
Trong đám cưới, khi nhà trai đến rước dâu cũng cần có lời thưa gửi. Mẫu bài phát biểu đám cưới sẽ khá giống trong lễ ăn hỏi. Nhà trai cũng sẽ phát biểu trước sau đó đến nhà gái, cuối cùng là lời cảm ơn của hai họ gia đình.
“Kính thưa các cụ, các ông, các bà… Tôi là…đại diện nhà trai hiện diện trong đám cưới của hai cháu cảm ơn các cụ, các ông, các bà đã tới chung vui. Hôm nay nhà trai chúng tôi xin phép tới đón con/cháu dâu về nhà theo sự chấp thuận của gia đình nhà gái. Chúng tôi cũng rất vui xin cảm ơn nhà gái đã tin tưởng cháu…(tên chú rể), chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt cho cháu gái. Chúc cho hai cháu trăm năm hạnh phúc, con cháu đầy đàn. Xin chân thành cảm ơn”
Tiếp theo nhà gái cũng cảm ơn nhà trai và mọi người, có lời dẫn để cô dâu chú rể giao lưu với các quan khách.
Sau đó sẽ có nhiều nghi thức khác tùy địa phương. Có nơi cô dâu chú rể sẽ tới mời nước bố mẹ trên bục đám cưới, chụp ảnh kỷ niệm hoặc làm phóng sự cưới cùng gia đình bạn bè. Có nơi thì gia đình hai bên sẽ tới trao quà tặng cho cô dâu trước khi về nhà chồng.
Lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi hoặc tổ chức đám cưới đều là nét văn hóa đẹp trong truyền thống người dân Việt. Sau bài viết này, mong đại diện nhà trai nhà gái đều soạn được cho mình bài nói trôi chảy và cảm xúc nhất. Chúc bạn có một bài phát biểu thành công và một ngày vui vẻ tràn đầy sức sống.