Tật loạn thị là một dạng khiếm khuyết phổ biến ở mắt khiến tầm nhìn của người bệnh mờ, không rõ ràng và bị bóp méo. Loạn thị có thể di truyền nên nhiều trẻ sơ sinh cũng có thể mắc tật khúc xạ này. Vậy đâu là nguyên nhân gây loạn thị? Triệu chứng nhận biết loạn thị là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này của chúng tôi.
Loạn thị là gì?
Nội dung chính
Loạn thị (tiếng anh là Astigmatism) là một tật khúc xạ do giác mạc mắt có hình dạng bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của đôi mắt khiến hình ảnh thu được mờ và méo mó. Thay vì hình dạng quả bóng tròn, giác mạc (lòng đen) sẽ có hình quả trứng khi bị loạn thị làm cho ánh sáng bị khuếch tán trên giác mạc và tia hình ảnh tụ tại nhiều điểm ở võng mạc mà không tập trung tại một điểm như mắt bình thường dẫn đến hiện tượng hình ảnh của vật không rõ ràng khi nhìn (1).
Loạn thị là tật khúc xạ ánh sáng phổ biến của mắt
Phân loại loạn thị
Loạn thị có 2 dạng chính là loạn thị giác mạc và loạn thị thấu kính. Loạn thị giác mạc là khi giác mạc của bạn bị lệch, còn loạn thị dạng thấu kính là khi ống kính của bạn bị lệch(2).
Mắt bị loạn thị thường xuất hiện cùng với tình trạng cận thị hoặc viễn thị gây khó khăn cho người bệnh trong việc nhìn xa hoặc nhìn gần.
Bệnh lý này diễn biến phức tạp, có thể tăng hoặc giảm theo thời gian, nhưng không tự hồi phục hoàn toàn, thế nên chúng ta nên đến bệnh viện chuyên khoa mắt để được tư vấn giải pháp khắc phục phù hợp, đảm bảo tầm nhìn cũng như chất lượng sống.
Nguyên nhân loạn thị
Không chỉ người lớn mà ngay từ khi sinh ra, trẻ nhỏ đã có nguy cơ bị loạn thị mắt. Và nguyên nhân chính dẫn đến khiếm khuyết mắt nghiêm trọng này đó chính là giác mạc bị biến dạng.
Một giác mạc hoàn hảo – uốn cong như hình quả bóng tròn giúp tia sáng đi qua giác mạc sẽ hội tụ tại một điểm duy nhất ở võng mạc giúp thu nhận hình ảnh đầy đủ và rõ nét, còn giác mạc bất thường có hình quả trứng với hai đường cong khác nhau khiến tia sáng đi vào mắt bị phân tán thành 2 điểm trên võng mạc làm cho hình ảnh mắt thu được không rõ ràng và méo mó(3).
Ngoài biến dạng giác mạc, nguyên nhân loạn thị còn phải kể đến một số yếu tố (bao gồm cả chủ quan và khách quan) như là:
- Di truyền
- Một số phẫu thuật hoặc chấn thương để sẹo trên giác mạc.
- Mắc bệnh Keratoconus – Một loại thoái hóa mắt khiến giác mạc mắt biến dạng thành hình chóp.
- Trẻ sinh thiếu tháng (Tỷ lệ trẻ em sinh non bị mắc chứng loạn thị cao hơn trẻ sinh đúng ngày).
Trẻ em có thể bị loạn thị do di truyền hoặc sinh thiếu tháng
Như vậy, tật loạn thị có thể theo chúng ta từ khi “lọt lòng mẹ”, hoặc có thể phát sinh sau chấn thương, bị bệnh hoặc phẫu thuật mắt. Loạn thị sẽ không xảy ra hoặc biến chứng nặng hơn khi bạn đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, ngồi quá gần tivi…
Những ai có nguy cơ mắc tật khúc xạ này nhiều nhất?
Loạn thị không phân biệt tuổi tác, trẻ em hay người lớn đều có thể mắc dị tật này. Tuy nhiên, nguy cơ loạn thị sẽ cao hơn nếu bạn gặp phải một trong những vấn đề dưới đây:
- Tiền sử gia đình mắc chứng loạn thị hoặc các rối loạn mắt khác, điển hình là Keratoconus (thoái hóa giác mạc hay giác mạc hình chóp).
- Giác mạc có sẹo hoặc mỏng do chấn thương.
- Cận thị nặng khiến tầm nhìn xa bị mờ.
- Viễn thị nặng khiến tầm nhìn gần bị mờ.
- Từng trải qua một số loại phẫu thuật mắt như phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Không phải tất cả những người trong nhóm “nguy cơ cao” đều sẽ bị loạn thị. Muốn chắc chắn có mắc khiếm khuyết này hay không, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán một cách chính xác nhất nhé!
Triệu chứng của loạn thị
Triệu chứng loạn thị sẽ không biểu hiện giống nhau hoàn toàn ở tất cả bệnh nhân, thậm chí một số người sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào cụ thể nào để nhận diện. Thế nhưng, hầu hết người bị loạn thị đều sẽ bắt gặp những dấu hiệu sau:
- Khó nhìn vào ban đêm.
- Hình ảnh bị mờ hoặc bóp méo ở mọi khoảng cách (gần hay xa).
- Mỏi mắt.
- Nheo mắt.
- Kích ứng mắt.
- Đau đầu.
Để tránh nhầm lẫn loạn thị với các vấn đề về sức khỏe hoặc thị lực khác, không còn cách nào khác là đến bệnh viện mắt thăm khám kỹ lưỡng. Tật khúc xạ này tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm, thế nên chúng ta cần tìm giải pháp khắc phục sớm nhất có thể.