Đức Tổ Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác là đệ tử của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và là người tiếp nối dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau hơn 300 năm bị thất truyền. Bên cạnh đó, Ngài cũng có công lao rất lớn trong công cuộc trùng tu ngôi Bảo Quang Tự được Phật hoàng Trần Nhân Tông xây dựng vào thế kỷ XIII (nay là chùa Ba Vàng – ngôi chùa có tòa chính điện trên núi lớn nhất Đông Dương).
Hướng tới kỷ niệm ngày giỗ của Tổ Sư, ngày 23/8/âm lịch hàng năm, kính mời quý vị cùng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài qua lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh.
Thời niên thiếu của Sư Tổ
Tổ Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác có pháp danh là Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác. Ngài sinh ngày 06 tháng 01 năm Mậu Tuất (1658) vào thời vua Lê Hiển Tông. Ngài xuất gia tu hành từ khi còn ít tuổi và sau đó trở thành hậu duệ của Tam Tổ Trúc Lâm.
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Lê Mạt, nhà Lê là đỉnh cao của chế độ phong kiến tập quyền, vì vậy để củng cố địa vị của mình, nhà cầm quyền phong kiến đã coi trọng Khổng giáo và coi nhẹ Phật giáo (đưa Phật giáo xuống hàng thứ hai sau Khổng giáo).
Trong thời kỳ đó, Sư Tổ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử: Nội chiến Nam Bắc triều, Trịnh Nguyễn phân tranh,… đã đẩy lịch sử Việt Nam vào con đường tăm tối. Chính trong bối cảnh lịch sử ấy cùng với dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đang bị thất truyền sau 400 năm thì sự xuất hiện của Sư Tổ như ngọn đèn thắp sáng những ngày đêm u tối. Bởi Ngài mong nguyện làm sống lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã bị lu mờ sau ba thế kỷ để đạo Pháp được sáng tỏ, đất nước bình yên.
Vậy nên, Ngài đã quyết định ly gia cắt ái, xả thân cầu đạo để thành tựu được sở nguyện tiếp nối mạng mạch Phật Pháp do chư Tổ truyền trao.
Sự nghiệp hoằng Pháp độ sinh của Sư Tổ
Dân gian truyền rằng, vào một đêm trong lúc tọa thiền, Ngài hướng tâm quán chiếu nhân duyên độ chúng sinh và biết rằng Thành Đẳng sơn là nơi hội tụ tinh hoa trời đất, rất thích hợp cho việc tu hành và cứu độ chúng sinh. Vì vậy, Ngài đã không màng khó khăn, gian khổ, một mình băng rừng, lội suối vượt đèo, quyết chí đến nơi đây thực hiện chí nguyện cầu đạo giải thoát. Tại đây, khi đã ngoài 40 tuổi, Ngài sống lặng lẽ một mình, dựng am để tu tập, uống nước suối, lấy rau quả làm thức ăn,… Song thân tướng và sức vóc Ngài vẫn cường tráng, đôi mắt ngời ngời sáng.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ hành đạo, Sư Tổ luôn hướng đến sự nghiệp tiếp Tăng độ chúng. Ngài đã cứu giúp rất nhiều người, nhất là những người không nơi nương tựa và có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, để tỏ lòng tri ân cũng như hiểu giá trị Phật Pháp, nhiều người đã theo Ngài học đạo. Từ đó, số lượng học chúng ngày càng tăng, Ngài đã cho thành lập các đạo tràng để Phật tử cùng nhau tu tập.
Không những vậy, Ngài tùy thuận gieo duyên cho chúng sinh bằng việc kết hợp Tam giáo đồng nguyên là Phật giáo, Nho giáo và Khổng giáo, hình thành nên giáo lý gần gũi, dễ hiểu, phù hợp trong việc truyền tải Phật Pháp tới nhiều đối tượng. Vì thế mà dễ dàng cảm hóa chúng sinh, vì biết ơn Ngài mà rất nhiều Phật tử, nhân dân đã phát tâm cùng với Ngài trùng tu ngôi Bảo Quang Tự vào thời Vua Lê Dụ Tông (1705) khi Ngài 48 tuổi.
52 năm nhất tâm tu tập tại non thiêng Thành Đẳng, Ngài đã kiến lập, phát triển Tăng đoàn và trong số đó có gần 100 vị Thiền tăng đã thành tựu và mang giáo Pháp truyền tải khắp muôn nơi.
Mặc dù tu hành nơi núi rừng thanh vắng nhưng những người thiết tha cầu đạo thì không ai là không biết đến Ngài. Chính nhờ công đức tu hành của Ngài mà dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ngày càng phát triển rực rỡ tại Thành Đẳng sơn.
Đến năm 1757, vào một đêm trước mưa to gió lớn, bầu trời u ám, sấm chớp rền vang, cây cối ngổn ngang, đất đá chắn đường,… Lúc ấy, ai ai cũng lo lắng và cầu mong thảo am của Sư Tổ được an toàn. Ngay sáng hôm sau, từng đoàn người di chuyển lên chùa thăm Sư Tổ, khi đến nơi rất nhiều điều lạ kỳ hiện ra: ánh sáng phát ra như ánh hào quang, khói hương nghi ngút như làn mây bay lượn trên không trung,.. điều đó càng tô thêm vẻ uy nghi tráng lệ cho ngôi Bảo Quang Tự.
Tại giữa chính điện, một khung cảnh trầm lắng, da diết bao trùm tại nơi đây, hình ảnh Sư Tổ đang tọa thiền, không khí và những âm thanh tụng niệm xa gần như khác với mọi lần, một âm thanh tha thiết mang đậm một nỗi thâm trầm, sâu thẳm.Lúc sau, khi đã đông người dân lên chùa, một Sư Thầy bước ra báo tin: Sư Tổ đã an nhiên về cõi Niết bàn vào giờ Tý khi sao Khuê bừng sáng ngày 23 tháng 8 năm Đinh Sửu (1757), đời vua Lê Hiển Tông; Ngài trụ thế 100 tuổi.
Một trong số đó, tấm bia đá mà Ngài để lại thể hiện tinh thần và hồn cốt của Ngài. Bởi chính nhờ tấm bia đá này mà chùa Ba Vàng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Nhờ đó chùa mới có thể mở rộng quỹ đất, từ 150 mét vuông lên tới 123 hecta – tăng gấp trăm nghìn lần so với diện tích đất ban đầu. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Ba Vàng trở thành trung tâm Phật giáo, thu hút hàng nghìn Phật tử và nhân dân thập phương.
Bên cạnh đó, câu chuyện của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh với tấm bia đá, với Sư Tổ cũng có mối nhân duyên thật đặc biệt, lạ kỳ. Khi Sư Phụ về chùa Ba Vàng, sau khi thắp hương lễ Phật tại ban thờ và ra trước tấm bia đá Tổ Sư, Sư Phụ bỗng nhiên nghe thấy tiếng trong hư không rằng: “Phải về và chịu trách nhiệm ở nơi đây”. Sư Phụ cảm nhận đó như là lời mong nguyện và giao phó trách nhiệm của Tổ Sư dành cho Sư Phụ. Cho nên, tấm bia đá là một di chứng, không có tấm bia đá này thì không có chùa Ba Vàng. Sư Phụ cũng cảm nhận rằng trong các việc phật sự của chùa đều có sự gia hộ rất lớn của Ngài.
Thế nên, bổn phận của hàng hậu học là phải tri ân, giữ gìn, thừa tự tài sản mà Sư Tổ truyền trao. Đặc biệt nhất là những tài sản phi vật thể (tài sản tinh thần, đạo đức); bởi nhờ ân đức của Ngài mà hơn 300 năm về sau, chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng, với tinh thần tri ân và đền ân đã gìn giữ, tiếp nối mạng mạch Phật Pháp mà Sư Tổ để lại.
Nhìn lại tấm gương tu hành của Ngài mà ngày nay, chúng ta phải luôn bền bỉ, kiên cố, vững tâm trên con đường cầu đạo giải thoát. Đó chính là việc làm chân thật để đền ơn Tam Bảo, đền ơn Sư Tổ, hơn cả là bảo vệ Phật Pháp vững mạnh, trụ lâu dài ở thế gian.
Cuộc đời và sự nghiệp của Sư Tổ Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác mãi là tấm gương đạo đức sáng ngời cho hàng hậu thế sau này noi theo. Đã hơn 200 năm kể từ ngày Tổ Sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác – vị Sư Tổ khai sơn chùa Ba Vàng nhập Niết bàn, nhưng những giá trị Ngài để lại cho nhân thế vẫn còn mãi.