Hạnh đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não trần cấu. Thời Đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử của Ngài đã tu theo 13 hạnh đầu đà mà chứng đạo. Trong đó có Tôn giả Ma Ha Ca Diếp – vị Thánh Tăng đệ nhất đầu đà trong giáo đoàn của Phật.
Nội dung chính
Thực hành hạnh đầu đà tuy gian khổ nhưng lại hỗ trợ rất lớn cho hành giả trong tiến trình tu tập, đạt thành tựu giải thoát. Không chỉ vậy, nếu có người chân thật tu hạnh đầu đà thì Phật Pháp sẽ được thường trụ lâu dài ở thế gian, làm lợi ích cho chúng sinh.
Vậy 13 pháp đầu đà cao quý đó là gì?
Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây
Nguồn gốc của pháp tu hạnh đầu đà
Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này) khi thấy rõ bốn sự thật của cuộc đời con người: sinh – lão – bệnh – tử, Ngài đã phát tâm dũng mãnh dứt bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để mặc lên chiếc áo của người tu (gọi là y phấn tảo) và đi tầm sư học đạo. Ngài đã thực tập tất cả các pháp tu khổ hạnh theo quan điểm tu tập lúc bấy giờ: hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, nhịn đói…; có những ngày Ngài chỉ ăn một hạt đậu, một hạt vừng hay hạt lạc. Ngài ép xác khổ hạnh cho đến đỉnh điểm khiến thân thể gầy mòn, hốc mắt trũng sâu nhưng cũng không đạt được giác ngộ mà lại thấy cơ thể mệt mỏi.
Cuối cùng, Ngài nhận ra lối tu khổ hạnh cực đoan không mang lại lợi ích. Ngài đã quay về tu tập theo phương pháp tu trung đạo, nuôi dưỡng thân đủ sức khỏe để hành Pháp, không khổ hạnh thái quá mà cũng chẳng hưởng thụ thái quá. Sau đó Ngài chứng đạt Vô thượng Bồ đề nhờ pháp tu trung đạo này. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành pháp tu 13 hạnh đầu đà và Ngài tán thán pháp tu này.
13 pháp hạnh đầu đà gồm những gì?
Đức Thế Tôn rất khen ngợi những vị tu sĩ phát nguyện tu hạnh đầu đà, bởi lợi ích của pháp đầu đà không chỉ mang lại lợi ích cho hành giả mà còn cho khắp pháp giới chúng sinh. Trong kinh Mi Tiên vấn đáp – bài 177: “Đầu đà khổ hạnh có lợi ích gì?”, Đại đức Na Tiên từng nói những công năng, diệu dụng của 13 pháp đầu đà là không thể kể xiết. Pháp này được ví là nơi nương tựa, sanh trưởng của mọi thiện pháp; là thuốc đối trị tất cả tâm bệnh của con người; là ruộng phước cho chư Thiên và loài người, là nơi nương tựa thoát khỏi mọi sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết,…
#1 Mặc y phấn tảo
Y phấn tảo là loại y được chắp vá từ nhiều mảnh vải khác nhau. Đó những miếng vải bó thây người chết sau khi đốt còn sót lại mà người ta vứt bỏ nơi nghĩa địa, bệnh viện,… hay là những loại vải mà chó, chim tha bị rơi trên đường. Vị hành giả sẽ nhặt các mảnh vải này, giặt giũ sạch sẽ, vá lại thành y để mặc. Điều này giúp cho người tu không bị lệ thuộc vào sự cúng dường của thí chủ.
#2 Chỉ mặc ba y
Vị hành giả tu hạnh đầu đà chỉ có ba tấm y duy nhất; y lớn đắp bên ngoài, một áo, một quần, còn gọi là thượng y, trung y và hạ y. Suốt cả một đời tu sĩ, vị hành giả chỉ có ba tấm y đó, khi rách nát thì vá chằng vá đụp đến khi không còn chỗ vá nữa thì mới được thay y mới.
#3 Khất thực để sống
Pháp hạnh đầu đà khất thực để sống tức là phải ôm bát đi khất thực (xin ăn) mà không được đợi thí chủ thỉnh mời đến nhà để cúng dường. Pháp khất thực mang đến nhiều lợi ích cho vị khất sĩ: tâm trí được rảnh rang, ít phiền não; đoạn trừ tâm cống cao ngã mạn; rèn luyện tính nhẫn nại, chịu đựng sự chê bai của người; đặc biệt là gieo duyên hóa độ chúng sinh được vào trong biển Phật Pháp…
#4 Khất thực theo thứ lớp
Vị hành giả đi khất thực tuần tự từ nhà này đến nhà khác và không bỏ nhà nào, không phân biệt giàu nghèo, không lựa chọn chê bai đồ ăn ngon dở.
#5 Ngồi ăn một lần
Sau khi khất thực, vị hành giả chỉ ngồi ăn một lần trong ngày. Khi đã đứng dậy thì các Thầy không ăn nữa, kể cả khi ai đến cúng dường thêm.
#6 Ăn bằng bình bát
Như thời Đức Phật tại thế, chư Tăng chỉ ăn những thức ăn đã khất thực trong bình bát.
#7 Không để dành đồ ăn
Đối với Pháp hạnh thứ 7, vị hành giả khi đã ăn xong thì đồ ăn dù còn dư hay được tín chủ cúng dường thêm thì chư Tăng cũng không được để dành cho buổi hôm sau. Cho nên, quý Thầy khất thực vừa đủ để ăn một bữa.
#8 Sống trong rừng
Rừng là tài sản quý của đất nước cũng là tài sản cực kỳ quý đối với người tu hành. Rừng còn là nơi yên tĩnh, thanh vắng rất thích hợp cho vị hành giả tham thiền, thúc liễm thân tâm, viễn ly các dục. Không chỉ vậy, tu tập ở rừng còn giúp vị hành giả đoạn trừ tất cả mọi cấu uế trong tâm và vượt qua những nỗi sợ rắn, rết, các côn trùng độc hại, mưa giông, gió giật.
#9 Ở dưới gốc cây
Hành giả tu tập ở dưới gốc cây. Tuy nhiên, cứ sau 3 đêm, vị hành giả sẽ phải chuyển sang một chỗ khác để không tham đắm chỗ ngủ tốt.
#10 Ở ngoài trời
Khi chư Tăng thọ nhận hạnh đầu đà thì dù nắng hay mưa, bão bùng, các Thầy cũng tu tập ở ngoài trời mà không tìm chỗ trú. Nếu tâm có loạn, cảm xúc, cảm thọ nào dấy lên thì phải thanh lý để thanh tịnh tâm.
#11 Ở nghĩa địa
Vị hành giả ở nơi nghĩa địa để chiến đấu với sự sợ hãi và đối diện với các chúng ma.
#12 Nghỉ ở đâu cũng được
Hạnh nghỉ ở đâu cũng được nghĩa là vị hành giả tu hạnh đầu đà rất tùy thuận, không đòi hỏi chỗ nghỉ cho mình. Chỗ ngủ đó có thể là cạnh đống rơm, gốc cây hay cạnh chuồng trâu đều được.
#13 Không nằm ngủ
Đây là pháp hạnh rất khó vì người tu chỉ ngủ nghỉ bằng cách ngồi ở các tư thế hoặc kiết già, hoặc đi, hoặc đứng nhưng không được đặt lưng xuống đất nằm ngủ.
Hiện nay, thời mạt Pháp tu học thành tựu Thánh đạo là rất khó, việc giữ gìn mạng mạch Phật Pháp là sứ mệnh của chư Tăng. Tăng chúng hưng thịnh hoặc thoái trào thì Phật Pháp cũng theo đó mà được tuyên dương hay lụi bại. Chùa to lớn mà không có sự tu tập của chư Tăng thì chúng sinh không được mấy lợi ích. Vì thế, chân thật tu tập trước để độ mình, sau độ chúng sinh là cách duy nhất để giữ gìn, tuyên dương, làm cho chính Pháp được trường tồn, còn mãi trên thế gian.
Noi theo tấm gương vĩ đại của Đức Thế Tôn và các vị Thánh đệ tử của Ngài, chư Tăng chùa Ba Vàng chân thật thực hành hạnh thiểu dục tri túc với các pháp đầu đà khổ hạnh. Nơi rừng già hoang vắng, không kể ngày hay đêm, Tăng chúng vẫn khổ luyện tu tập, kinh hành, tọa thiền dưới gốc cây chẳng quản sương gió, nắng mưa để nghiêm sửa thân tâm, chiến thắng mọi cám dỗ, dục vọng. Tài sản của quý Thầy chỉ có ba y và một bình bát, ngày một bữa khất thực, làm ruộng phước điền tối thắng, gieo duyên hóa độ chúng sinh.
Mong rằng, từ lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử hiểu rõ về 13 Pháp hạnh đầu đà mà Đức Thế Tôn hằng tán dương và ca ngợi. Trong các bài viết tiếp theo, Ban quản trị sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin về lợi ích cũng như những điều kiện để một người có thể tu tập hạnh đầu đà. Kính mời quý Phật tử cùng đón xem!