KTNĐ – Bản thân đồ thủ công mỹ nghệ luôn chứa đựng nét đẹp và sự tinh xảo, giá trị vật chất lẫn tinh thần không hề ít, thậm chí nhiều món khá đắt tiền và sang trọng, nhưng khi chúng được (hay bị) sắp xếp hài hòa tổng thể, dẫn đến các tác động xấu về thẩm mỹ và cả công năng trong nội thất nhà ở.
Có bao giờ bạn thấy khó chịu vì một cái tủ chạm khắc cổ điển cầu kỳ đứng trơ trọi trong căn phòng hiện đại khung nhôm kính chưa? Với một chút nhận xét và quan sát, bạn sẽ biết tại sao nó lại được bố trí như vậy, thuận tiện hay bất lợi, đẹp hay xấu, phù hợp hay không. Tất cả ở cách chọn và bố trí đồ thủ công mỹ nghệ khéo hay không, và theo tôi trong nhà ở khác với nhà hàng khách sạn một chút, có thể chủ động trong việc trang trí với đồ thủ công mỹ nghệ dựa theo một số tiêu chí sau:
– Nguồn gốc và chủng loại: đồ thuần gỗ hay mây tre lá sẽ hợp nhau hơn là chen vào đồ đồng, gang, thép uốn. Bình gốm sứ thủ công sẽ có tiếng nói chung trong không gian cùng hệ (ví dụ nhà cổ hay nhà mộc mạc). Thậm chí trong một số không gian như phòng thờ, bộ tủ gỗ Đồng Kỵ sẽ rất hợp với các bộ gốm sứ Bát Tràng, Phù Lãng, nhưng khó có thể chưng cùng gốm Bàu Trúc, tức là đòi hỏi cả sự nhất quán về nguồn gốc xuất xứ vùng miền của sản phẩm.
– Chất liệu và tỷ lệ: những đồ vật thiếu tỷ lệ so với không gian như bộ salon quá to trong phòng khách nhỏ, giường người lớn dùng cho phòng trẻ em hoặc ngược lại… đều gây cản trở không gian và người sử dụng luôn thấy bất an, thấy lạc lõng bên những món đồ ấy, dù chúng đẹp. Các phụ kiện mềm như gối, tấm trải, chụp đèn…cũng vậy, luôn đòi hỏi chọn tương xứng với khu vực sử dụng đi kèm, ví dụ gối tương xứng với ghế, khăn xứng với bàn hay rèm cân đối hòa quyện với cửa.
– Hình dạng và chi tiết: những đồ vật có nhiều góc cạnh sắc nhọn gây nguy hiểm, đồ vật có hình thù đặc biệt (ví dụ bàn ghế hình gốc cây vặn vẹo chỉ hợp kê ngoài sân vườn, không đặt trong phòng ngủ được), đồ vật gây nguy hiểm (ví dụ quạt trần treo thấp, rèm cửa cạnh bếp lò…) đều nên cân nhắc. Một số đồ thủ công mỹ nghệ xuất xứ từ Tây phương chỉ hợp khi trưng trên lò sưởi hay đi cùng chi tiết nội thất cổ điển trong dạng nhà tương ứng.
Những món đồ thủ công cùng chủng loại (đồng hồ, mặt nạ, tranh ảnh…) sẽ tạo nên bộ sưu tập phong phú và nét duyên riêng cho không gian nội thất
Tôi cho rằng việc sở hữu vài ba chiếc bình quý, tượng hiếm, cũng tương tự như người này thích chơi dàn âm thanh hi-tech và người kia mê sưu tập đồ hiệu đắt tiền, không thể nói ai cao ai thấp. Nhưng khi bài trí bộ sưu tập của mình trong không gian nội thất thì những món đồ đó bắt đầu có sự tương tác tùy mức độ, nhẹ thì giúp không gian xinh đẹp hơn hay xấu xí đi, còn nặng thì lấn át cả không gian, tạo sự khó chịu cho người thưởng ngoạn lẫn chủ nhân.
Từ chỗ là chủ sở hữu các món đồ mỹ nghệ, tôi có thể thành “khổ chủ” của chúng, lệ thuộc vào chúng nếu tôi không biết cách sắp xếp trưng bày và sử dụng chúng trong không gian của mình. Bên cạnh đó, ngôi nhà để ở không phải là cửa hàng, gian triển lãm hay bảo tàng, những món đồ thủ công mỹ nghệ phải có đời sống của vật dụng, liên hệ chặt chẽ với đồ đạc và không gian quanh chúng.
Tôi cho rằng cần lưu tâm đến vài nguyên tắc như đồng bộ, quan hệ và điểm nhấn để chọn và sắp xếp đồ thủ công mỹ nghệ được khoa học và có văn hóa.
Sắp xếp đồng bộ luôn giúp thống nhất phong cách nội thất, theo kiểu quan niệm Á đông phân chia ngũ hành, thì đồ thuộc tính mộc sẽ là nhóm gỗ, mây, tre, cho đến vải vóc, giấy và thảm, những món này trong cùng không gian sẽ đồng bộ hài hòa, như chúng ta nhìn một căn phòng trà đạo đúng kiểu Nhật chẳng hạn, hầu hết đồ đạc đều thuộc nhóm mộc kể trên.
Đồ thủ công với vai trò trang trí cần được đặt trong khung cảnh cũng như tỷ lệ phù hợp
Người thiết kế cần phải có các kiến thức tổng hợp về các ngành nghệ thuật, cần biết thêm các lĩnh vực “bà con họ hàng” với kiến trúc và trang trí nội thất như nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, sưu tầm, thủ công mỹ nghệ… và cái tâm đủ tĩnh để không lệch lạc, không ham hố lắp ghép các mảng miếng chiêu trò, mà biết cách thức dùng đồ thủ công mỹ nghệ như một thành phần quan trọng trong không gian nội thất, tạo sự tương xứng và đạt thẩm mỹ tốt.
Sắp xếp quan hệ tức là chọn đồ tuân theo công năng và sự tương tác lẫn nhau. Ví dụ phòng ăn, phòng ngủ thì đồ vật nên có dạng êm ái nhẹ nhàng, họa tiết cũng liên quan đến tính mềm mại tự nhiên, tránh dùng nhiều đồ kim loại sắc lạnh hoặc phản quang gây khó ăn khó ngủ. Phòng tiếp khách cần những dáng vẻ bề thế và bình ổn thì sẽ chuộng nhóm đồ vật tương ứng, đồ mỹ nghệ có sự lấp lánh hoành tráng…
Và cuối cùng, cách sắp xếp nên có điểm nhấn để tạo tính nổi bật. Ví dụ, phòng ăn cần lưu tâm mảng tường nhìn từ bàn ăn ra như một điểm trang trí, nếu có bức tranh, kệ đồ trang trí hay mảng phù điêu họa tiết hoa lá ngon mắt ngon miệng sinh động thì sẽ nâng cao giá trị không gian. Nhưng tạo điểm nhấn dĩ nhiên cũng cần biết tiết chế và vẫn nằm trong quy luật đồng bộ và quan hệ đã nêu.
Tôi để ý học sinh từ khi còn rất nhỏ ở các nước Âu Mỹ hoặc Singapore đã được thường xuyên tham quan bảo tàng nghệ thuật, nên khi lớn lên dù làm nghề gì họ cũng rất biết trân trọng giá trị nghệ thuật, giá trị của các món đồ làm thủ công, không mê đắm hàng công nghệ công nghiệp kiểu sản xuất hàng loạt, cũng không có kiểu bon chen “chiếm hữu” đồ độc, đồ quý để ra vẻ sành điệu ăn chơi trọc phú.
Vì gia chủ được “nạp kiến thức” về nghệ thuật từ nhỏ nên đến khi trưởng thành, khi làm nhà hay trang trí nội thất họ có gu thẩm mỹ rõ ràng, biết phong cách nào đi với đồ nào, tôi gọi đó là các chủ nhà có gu ổn, không cóp nhặt hay pha trộn lung tung đủ thứ mọi nơi.