Trà xanh là gì?
Trà xanh là một loại thức uống được làm từ cây chè (có tên khoa học là Camellia sinensis), thường có vị chát nhẹ, màu nước vàng xanh. Trà xanh xuất hiện tại nhiều nền văn hóa trên thế giới từ cả ngàn năm trước và có nhiều biến thể khác nhau: trà xanh pha từ lá trà tươi, trà xanh khô, trà xanh nghiền thành bột (matcha)… Một trong những điểm khác biệt của trà xanh so với các loại trà khác là trà xanh trải qua quá trình hấp diệt men, giúp cho nước trà giữ được màu xanh vàng trong vắt, hương vị nhẹ nhàng.
Lịch sử cây chè.
Từ hơn 4000 năm trước, cây chè đã xuất hiện tại khu vực phía bắc Đông Nam Á cổ đại – bao gồm khu vực Assam của Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và một phần của Trung Quốc. Có nhiều giả thuyết về nơi cây chè xuất hiện đầu tiên và rất khó để chứng minh chính xác, chỉ biết rằng cây chè nguyên thủy đã được phổ biến mạnh mẽ, hình thành nên cách nuôi trồng và văn hóa trà rất đa dạng. Ví dụ như tại Trung Quốc, Nhật Bản xưa, trà được dùng trong các nghi lễ tôn giáo trang trọng, dành cho tầng lớp cao. Tại các quốc gia còn phát triển cách thức thưởng trà riêng biệt gọi là trà đạo.
Từ khoảng thế kỷ 15 trở đi, nhờ sự phát triển giao thương giữa các nước Á, Âu, trà được du nhập sang phương Tây và từ đó lại có nhiều loại trà mới xuất hiện. Tại Việt Nam, cây chè đã xuất hiện từ rất lâu đời, tuy nhiên ngành trồng chè chỉ manh nha phát triển khi thực dân Pháp tới Việt Nam và lập các đồn điền vào đầu thế kỷ 20.
Hiện nay, cây chè được trồng tại rất nhiều nơi như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka… Đây đều là các quốc gia có sản lượng chè hàng đầu thế giới.
Quy trình sản xuất trà xanh.
Dù là sản xuất thủ công hay sản xuất công nghiệp lớn thì quá trình sản xuất trà xanh thường trải qua các công đoạn cơ bản sau:
- Thu hái: Lá chè được thu hái từ các điền chè và được vận chuyển ngay về nhà máy hoặc nơi sản xuất càng sớm càng tốt, điều này để giúp cho ra những mẻ chè chất lượng tốt nhất.
- Diệt men: khác với các loại chè khác, trà xanh có quá trình hấp, chần hoặc sao để diệt men. Đây là quá trình tiêu diệt các enzym có trong lá chè nhằm đình chỉ quá trình lên men, hạn chế oxy hóa, giữ được chất diệp lục màu xanh.
- Vò chè: là quá trình làm dập lá chè, nhằm tăng cường khả năng chiết xuất các chất trong lá chè khi pha được tốt hơn, hương đầy đủ và tròn vị hơn.
- Sàng chè: sàng chè cũng làm biến đổi hương vị chè, thường được thực hiện bằng máy hoặc bằng cách thủ công bởi người có kinh nghiệm.
- Sao lăn: dùng nhiệt độ cao để làm bay hơi nước trong lá chè, định hình cánh trà và giúp dễ dàng bảo quản hơn.
- Sấy chè: xử lý phần độ ẩm còn lại trong chè xuống còn khoảng 3-4%.
- Ướp hương: tùy loại trà xanh có thể ướp thêm hoa tự nhiên để tạo hương. Bước này là không bắt buộc, áp dụng với một số loại trà ướp hoa.
- Đóng gói: trà thành phẩm được cho vào gói kín, có thể hút chân không để giữ chất lượng tốt nhất và đóng hộp, vận chuyển đến người tiêu dùng.
Phân loại trà xanh
Ngoài trà xanh nguyên bản, chúng ta còn có thêm trà xanh ướp hương hoa. Các loại hoa thường được sử dụng để ướp trà truyền thống là hoa nhài, hoa ngâu, hoa sói, hoa sen…
Trà xanh cũng được phân loại thành nhiều phẩm cấp khác nhau như P, OP, BP, BPS, F. Tiêu chuẩn phân loại chất lượng trà được quy định bởi kiểu dáng cánh trà, màu sắc, hương vị, thời điểm thu hái sản xuất. Cách phân loại này phổ biến với người làm trà, các nhà sản xuất trà
Ngoài ra người ta còn phân loại trà xanh truyền thống Việt Nam thành các loại như trà đinh, trà tôm, trà móc câu, dựa vào loại búp trà nguyên liệu và hình dáng lá trà khi hoàn thành các công đoạn chế biến.
Thành phần trà xanh
Người ta tìm thấy trong trà xanh có rất nhiều hoạt chất tốt cho sức khoẻ như L-Theanine, axit amin, vitamin, cafein, tanin, hợp chất polyphenol gồm 7 loại catechin khác nhau, chất diệp lục. Đặc biệt nhất, 1 trong 7 loại catechin này chính là EGCG – chất chống oxy hóa mạnh với khả năng chống lão hóa, bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, tăng cường khả năng miễn dịch…
Công dụng của trà xanh
1. Làm giảm số lượng vi khuẩn kháng thuốc
Trà xanh có một tinh chất nổi tiếng là epigallocatechin hay EGCG. Chất này có khả năng chống viêm và phòng ngừa một số bệnh mãn tính. Đặc biệt, sự kết hợp của EGCG và aztreonam đã làm giảm số lượng vi khuẩn kháng thuốc, chứng tỏ EGCG trong trà xanh có chức năng khôi phục lại tác dụng của thuốc kháng sinh, giúp kháng sinh đi vào trong và tiêu diệt vi khuẩn dễ dàng hơn.
2. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Trà xanh chứa chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi các tác nhân gây ung thư. Thành phần chống oxy hóa trong trà xanh hiệu lực hơn nhiều so với vitamin C và vitamin E, có thể giúp bảo vệ các tế bào không bị phá hủy bởi bệnh ung thư.
3. Ngăn ngừa bệnh tim mạch
Uống trà xanh giúp giảm lượng cholesterol và do đó, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Trà xanh có thể giúp ngăn ngừa tế bào bị phá hủy và tăng tốc quá trình phục hồi tế bào tim mạch.
4. Làm chậm quá trình lão hóa
Trà xanh cũng giúp làm mờ các nếp nhăn trên khuôn mặt của bạn. Trong trà xanh có chứa polyphenols, một chất chống oxy hóa chống lại các gốc tự do, giúp làm chậm quá trình lão hóa.
5. Giúp giảm cân nặng
Đây có lẽ là tác dụng được nhiều người quan tâm nhất của trà xanh. Trà xanh có thể giúp đốt cháy mỡ và tăng cường khả năng trao đổi chất một cách tự nhiên. Trà xanh cũng có thể ngăn chặn quá trình chuyển hóa glucose thành tế bào mỡ.
6. Giúp hệ xương khỏe mạnh
Chứa florua cao, trà xanh còn giúp hệ xương của bạn khỏe mạnh. Do đó, để bảo vệ hệ xương cho mình, hãy uống trà xanh mỗi ngày. Ngoài ra, trà xanh còn có thể giúp giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp.
7. Giảm lượng cholesterol
Trà xanh có tác dụng hiệu quả trong việc giảm lượng cholesterol xấu, giúp cơ thể hấp thu các chất béo tốt một cách hiệu quả hơn.
8. Tăng cường trí nhớ
Trà xanh giúp bảo vệ bộ não của bạn với sự hỗ trợ của các hợp chất hoạt tính sinh học và catechin – vốn có tác dụng chống lại hoạt động của các gốc tự do. Các gốc tự do này vốn là những tác nhân gây nên các tổn thương màng tế bào của cơ thể, và nó cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính, hoặc làm tăng các nguy cơ bệnh ác tính. Không những thế, trà xanh còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson.
9. Giúp gan khỏe mạnh
Các vấn đề về gan đang là vấn đề phổ biến ở nhiều nam giới hiện nay. Trà xanh giàu catechin – cũng là một loại chất chống oxy hóa thực vật có thể cải thiện chức năng gan và làm giảm lượng chất béo trong gan.
10. Duy trì mức huyết áp
Trà xanh giúp kiềm chế angiotensin, một hormone gây ra sự co mạch và tăng huyết áp. Vì vậy, uống trà xanh giảm huyết áp, tốt với những ai mắc huyết áp cao.
11. Giảm rủi ro bệnh tiểu đường
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, uống trà xanh tốt cho việc cải thiện sự nhạy cảm với insulin và giảm lượng đường trong máu. Nói chung, lượng đường trong máu có xu hướng tăng theo tuổi tác nhưng các chất polyphenols và polysaccharides có trong trà xanh giúp giữ cho lượng đường trong máu ở mức thấp.
12. Tăng cường hệ miễn dịch
Trà xanh có chứa chất polyphenol và flavonoid, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn, giúp cơ thể khỏe mạnh và mạnh mẽ hơn, và có khả năng chiến đấu chống lại chứng nhiễm trùng.
13. Ngăn ngừa bệnh cảm cúm
Trà xanh cùng với vitamin C giúp cơ thể bạn tăng sức đề kháng với bệnh cúm và cảm lạnh. Và cũng với chất chống oxy hóa catechin có trong trà xanh có thể giúp điều trị chứng bệnh này.
14. Giảm nguy cơ hen suyễn
Các theophylline trong trà xanh có tác dụng lợi tiểu và làm giãn các cơ trơn hỗ trợ phế quản. Kết quả là, đồ uống lành mạnh truyền thống này có thể làm giảm sự tác động nguy hại của bệnh hen suyễn.
15. Ngăn chặn sâu răng
Chắc hẳn bạn đã biết, trà xanh là thành phần được sử dụng phổ biến trong nhiều loại kem đánh răng, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến chứng hôi miệng. Hơn nữa, các thành phần có trong trà xanh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và virus gây bệnh răng miệng.
Cách pha trà xanh truyền thống
Bạn có thể thưởng thức trà theo phương pháp truyền thống của Việt Nam.
- Đầu tiên hãy tráng ấm trà bằng nước sôi.
- Cho trà vào ấm và tráng trà bằng nước nóng 85 độ C rồi bỏ lượt nước này đi.
- Cho thêm nước nóng 85 độ C vào, ủ trà trong ấm trong 3 đến 5 phút tùy theo lượng trà cho vào.
- Rót trà ra chén và thưởng thức. Trà xanh thích hợp để nhâm nhi vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, giúp bạn cảm thấy thư giãn, sảng khoái và tỉnh táo.
Ứng dụng từ trà xanh
Ngoài cách pha trà truyền thống, trà xanh có thể kết hợp với các nguyên liệu khác như sữa tươi, trái cây để tạo nên những thức uống hấp dẫn như trà sữa, trà trái cây, trà chanh…
Không chỉ là một thức uống, ngày nay trà xanh còn được sử dụng rộng rãi trong ngành sản xuất thực phẩm, là nguyên liệu chế biến bánh kẹo, socola, kem và nhiều món ăn khác.
Chưa hết, chiết xuất trà xanh với tác dụng chống lão hóa, làm sạch, dưỡng trắng da đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Bạn có thể dễ dàng tìm được các loại mặt nạ, kem dưỡng, serum có thành phần từ trà xanh.
Những lưu ý khi sử dụng trà xanh
Để trà xanh giữ được hương vị trọn vẹn và mang lại những tác dụng tốt cho sức khỏe, bạn hãy lưu ý một số lời khuyên dưới đây nhé:
- Không nên uống quá nhiều trà xanh mỗi ngày, chỉ 100 – 200ml là vừa đủ.
- Không nên uống trà xanh trước khi đi ngủ hoặc khi đang đói, bạn sẽ cảm thấy cồn cào, khó ngủ, thói quen này cũng không tốt cho dạ dày và hệ thần kinh.
- Pha trà xanh nên dùng nước nóng khoảng 85 độ C, không dùng nước sôi 100 độ C, dễ làm mất đi dưỡng chất và hương vị trà.
- Trà đã pha nên uống trong ngày, không nên để qua đêm, vì để lâu trà sẽ sản sinh ra các chất không có lợi.
- Khi kết hợp trà xanh với chế độ ăn uống giảm cân, cần xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng và luyện tập đều đặn, không nên quá phụ thuộc vào thức uống.
- Sử dụng nước trà xanh làm đẹp cần lưu ý xem làn da của mình có bị dị ứng hay mẫn cảm không. Chọn mua các sản phẩm chứa chiết xuất trà xanh cần đọc kỹ thành phần.
Hy vọng với những nội dung hết sức chi tiết như trên, bạn đã hiểu rõ hơn về trà xanh – một thức uống vô cùng quen thuộc và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy theo dõi blog của Trà Chính Sơn để cập nhật thêm kiến thức thú vị về thế giới trà.