Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được thành lập tháng 6 năm 1996, do Giáo sư Trần Phương – Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương ĐCSVN (Khóa IV và V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng- làm Hiệu trưởng.
Là cơ sở đào tạo đa ngành (trên 25 ngành); đa cấp (Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ), đa hình thức (Chính quy, Liên thông, Vừa học – vừa làm, Trực tuyến). Trường xác định sứ mệnh của mình là đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật- công nghệ thực hành; bác sỹ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng giỏi Y thuật và giầu Y đức tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, không vì mục đích lợi nhuận.
- Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ HN là một trong ít những trường đại học ngoài công lập có cơ sở đào tạo riêng, đầu tư nghiêm túc cho cơ sở vật chất, coi đó là một trong những điều kiện cơ bản để tạo dựng một trường đại học đúng nghĩa. Đây cũng là một trong những thế mạnh của trường so với các trường đại học ngoài công lập khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung.
- Qua 21 năm hoạt động, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ HN đã tiếp nhận 122.700 sinh viên, trong số đó có 1.000 sinh viên Lào và Campuchia, số đã tốt nghiệp là 70.636 (Cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư: 68.117 người; Thạc sĩ: 2.517 người; Tiến sĩ: 02 người). Hầu hết đều nhận được việc làm ngay sau khi ra trường, với mức lương tương đối cao.
- Đội ngũ quản lý và giảng dạy cơ hữu của trường gồm 1.116 giảng viên cơ hữu. Trong đó có: 79 Giáo sư, Phó Giáo sư; 105 Tiến sĩ và 675 Thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên trẻ, tâm huyết với nghề, gần gũi với sinh viên đã góp phần tạo ra một môi trường học tập trung thực nhưng rất dân chủ và thân thiện.
- Trường có 3 cơ sở: Cơ sở I tại Vĩnh Tuy – Hà Nội; Cơ sở II tại Từ Sơn – Bắc Ninh; Cơ sở III tại Lương Sơn – Hòa Bình, cả ba được xây dựng trên diện tích 22 héc-ta và được trang bị hiện đại, thiết kế khoa học, rộng rãi, thân thiện, tạo nhiều hứng thú học tập và nghiên cứu. Diện tích phòng học là 41.731m2 x 2ha = 83.462m2, đủ đáp ứng cho 30.000 sinh viên Hệ chính quy học tại trường; Thư viện trường được trang bị máy tính để sinh viên truy cập mạng; Ký túc xá bảo đảm chỗ ở cho 2.000 sinh viên, hiện đang dành cho 1.000 sinh viên Lào và Campuchia; Sân vận động ngoài trời và nhà tập có mái che bảo đảm điều kiện cho sinh viên phát triển thể lực.
- Trường được trang bị 4.122 máy vi tính nối mạng Internet, bảo đảm cho mỗi sinh viên một máy khi học và thực hành. Có 274 máy chiếu (Projector) phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử. 250 phòng học được lắp đặt thiết bị vân tay để bảo đảm kỷ luật lên lớp đúng giờ. Các khối nhà cao tầng đều được lưu thông bằng thang máy. Các ngành kỹ thuật – Công nghệ và Bảo vệ sức khỏe có đủ phòng thực hành, thực tập hoặc thí nghiệm. Tổng tài sản cố định đạt giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
Khối lượng kiến thức của Chương trình đào tạo tương đối “nặng” so với các trường khác:
- Đại học: 160 tín chỉ so với 140 tín chỉ
- Cao đẳng: 120 tín chỉ so với 100 tín chỉ
Khối lượng kiến thức này đòi hỏi sinh viên phải học hành chuyên cần, nghiêm chỉnh. Những người ham chơi hơn ham học, muốn học giả mà lấy bằng thật thì không thích hợp với các chương trình này.
Sứ mạng của Trường là:
” Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp vốn, hoạt động vì sự nghiệp “trồng người”, không vì mục tiêu lợi nhuận, đào tạo các nhà kinh tế và kĩ thuật – công nghệ thực hành, các bác sỹ, dược sỹ có tay nghề cao, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt của các tổ chức, doanh nghiệp trên mặt trận phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Giá trị văn hóa: 12 chữ
ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ – KỶ CƯƠNG – TÌNH THƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – VĂN MINH
BẬC HỌC NÀO ?
- Với tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, bạn đã có chiếc chìa khoá để mở cửa vào lĩnh vực kiến thức sau trung học, cũng tức là kiến thức của bậc Đại học. Lĩnh vực kiến thức này bao trùm hàng trăm hàng ngàn ngành nghề khác nhau.
Kiến thức sau trung học thường được chia làm 3 cấp độ để đào tạo, ứng với 3 mức thời gian (và 3 loại trường):
– 2 năm: Trung cấp chuyên nghiệp hay Cao đẳng cộng đồng
– 3 năm: Cao đẳng
– 4 năm: Đại học
Chia ra 3 cấp độ đào tạo là để tạo cơ hội học tập thuận tiện cho người học. Chỉ cần 2 năm là đã có một nghề trong tay để lập thân lập nghiệp. Có việc làm và thu nhập rồi thì dễ dàng bổ sung kiến thức (học liên thông) để đạt cấp độ cao hơn.
- Thanh niên nước ta thường có tâm lý “sính đại học”, tưởng chừng như chỉ có bằng đại học mới tìm được chỗ đứng trong xã hội. Đó là một nhận thức sai lầm. Bất cứ xã hội nào, kể cả các xã hội có nền kinh tế tiên tiến như Âu Mỹ, cũng cần đến trình độ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng nhiều hơn trình độ Đại học. Một chuyên viên kế toán, một chuyên viên thương mại, một chuyên viên máy tính chỉ cần đạt đến trình độ Trung cấp, Cao đẳng là đủ thành thạo để đảm đương công việc rồi. Một doanh nghiệp nhỏ không cần đến một Cử nhân kế toán để đảm nhiệm chức vụ Kế toán trưởng. Một chuyên viên kế toán trình độ Trung cấp, Cao đẳng là đủ. Xác định như vậy rồi thì chẳng còn gì phải băn khoăn về bậc học. Bậc học nào cũng thành nghề, miễn là học hành cho nghiêm chỉnh.