Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chung theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/2, Hội Cấp thoát nước Việt Nam vừa có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp ngành nước trên toàn quốc.
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chung theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/2, Hội Cấp thoát nước Việt Nam vừa có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp ngành nước trên toàn quốc thực hiện bổ sung với các nhiệm vụ sau:
I. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước sạch:
- Chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn cấp tỉnh tiến hành rà soát Kế hoạch cấp nước an toàn trong đó tập trung vào nguồn nước, các công đoạn sản xuất, truyền dẫn và phân phối nước phát hiện sớm nguy cơ xâm nhập và lây lan, phát tán mầm bệnh….. để có các giải pháp khắc phục.
- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ bao gồm: Tăng tần suất giám sát chất lượng ở nguồn nước và công trình thu nước, các hồ chứa, bể chứa, sớm phát hiện và ứng phó với các diễn biến bất thường của chất lượng nước; Đảm bảo tối ưu hóa liều lượng hóa chất xử lý; Đảm bảo liều lượng Clo khử trùng trước khi cấp nước vào mạng lưới, duy trì hàm lượng Clo dư trên mạng lưới cấp nước; Đảm bảo duy trì 24/24 áp lực trên đường ống cấp nước; Tăng cường kiểm soát mạng lưới đường ống truyền dẫn và phân phối, nhanh chóng phát hiện, khắc phục các điểm rò rỉ để ngăn chặn sự thâm nhập của nước bẩn vào đường ống cấp nước; vv…
II. Đối với các doanh nghiệp Thoát nước và xử lý nước thải:
- Tăng cường các biện pháp quản lý vận hành, bảo dưỡng đúng quy trình, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các công trình và thiết bị xử lý nước thải một cách an toàn, ổn định; Đảm bảo liều lượng Clo hay các biện pháp khử trùng khác tại các Trạm xử lý nước thải; Kiểm tra, tiến hành nạo vét, duy tu mạng lưới thoát nước, các trạm bơm thoát nước, tránh nguy cơ nước thải tù dọng, tắc nghẽn gây ngập úng; Có biện pháp dự trữ đầy đủ hóa chất, trang thiết bị vật tư phục vụ cho vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
- Có các biện pháp bảo hộ lao động, tuyên truyền thực hành vệ sinh cá nhân tốt cho cán bộ, công nhân vận hành, những người có nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với nước thải và với aerosol khi làm việc trên mạng lưới thoát nước, các trạm bơm, các nhà máy xử lý nước thải…; Đảm bảo cơ số trang, thiết bị bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân.
III. Các doanh nghiệp ngành nước – Hội viên Hội Cấp Thoát nước Việt Nam:
- Tại trụ sở làm việc, các cơ sở sản xuất, khu vực xử lý nước thải, chất thải cần đặc biệt quan tâm đến các công tác vệ sinh, đảm bảo có đủ nước rửa sạch, xà phòng rửa tay, quét dọn vệ sinh và tẩy trùng thường xuyên. Các khu vệ sinh, các bể tự hoại, hệ thống cống rãnh thoát nước hay các trạm xử lý nước thải có thể là các ổ chứa mầm bệnh, cần đặc biệt lưu ý quan tâm.
- Tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động bên cạnh các biện pháp đeo khẩu trang, thực hành vệ sinh cá nhân tốt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, cần triệt để thực hiện việc ăn chín, uống sôi, nhất là ở các vùng dịch, những nơi có tập quán tái sử dụng nước thải trong tưới rau, nuôi cá.
- Tùy theo điều kiện cụ thể có thể thành lập Nhóm chuyên trách để triển khai các biện pháp phòng ngừa và kịp thời ứng phó với sự cố lây lan dịch bệnh qua đường nước theo quy trình ứng phó sự cố đã được chuẩn bị; Duy trì đường dây nóng để đảm bảo thông tin nội bộ cũng như tiếp nhận thông tin từ cộng đồng, kịp thời ứng phó với các tình huống, sự cố liên quan đến dịch bệnh.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật Môi trường, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Liên ngành Xây dựng – Kiến trúc cho biết, Nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, việc Hội Cấp thoát nước Việt Nam đưa ra khuyến cáo là rất kịp thời, phản ứng nhanh, hỗ trợ các doanh nghiệp cấp thoát nước làm tốt nhiệm vụ của mình khi có dịch bệnh, đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, chất lượng cho người dân cũng như việc xử lý chất thải, nước thải phải đúng quy định hạn chế lây lan mầm bệnh là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài của ngành nước.