“Theo ý kiến riêng của tôi thì vấn đề này là không nên, mà phải tìm cách giải quyết như thế nào để cái chất thải đó không phải nhấn chìm xuống biển”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định về việc đề xuất chủ trương xin nạo vét, đổ thải ở luồng hàng hải cảng Quy Nhơn. Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng nạo vét ở luồng cảng Quy Nhơn dự kiến khoảng 300.000 m3. Đơn vị này cũng đưa ra 3 phương án đổ thải, trong đó có phương án nhận chìm vật chất nạo vét ra khu vực biển Quy Nhơn.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương đồng ý cho thực hiện nạo vét và yêu cầu các đơn vị liên quan phải lập phương án nạo vét, tính toán khối lượng cũng như đề xuất vị trí đổ thải đảm bảo đúng quy định, báo cáo lại UBND tỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có trao đổi với GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh – nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh: MTĐT)
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh cho biết: “Đứng trên lập trường là một người nghiên cứu về môi trường, tôi cho rằng nếu là chất thải, dù chất thải nào cũng thế, nếu chúng ta nhận chìm nó xuống biển thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của biển. Ở biển có kênh tầng giữa, tầng mặt, tầng sâu đều có những lớp cá, lớp sinh vật. Nếu mình nhận chìm bùn thải xuống dưới tầng sâu thì nó sẽ theo dòng nước, theo trào lưu vận động của thủy triều và ảnh hưởng đến nguồn lợi sinh vật ở biển, môi trường biển”.
Đưa ra ý kiến về việc Cục Hàng Hải Việt Nam muốn nhận chìm lượng bùn thải xuống biển Quy Nhơn, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho rằng, nếu Cục Hàng hải Việt Nam muốn nạo vét để đổ, nhấn chìm lượng bùn thải lớn như vậy xuống biển thì cần phải báo cáo, bàn bạc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị nghiên cứu liên quan về lợi ích kinh tế biển.
Kinh tế biển là một chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước, đến 2030 – 2045 nước ta sẽ trở thành một nước kinh tế biển mạnh, mà muốn kinh tế biển mạnh thì biển của chúng ta phải sạch. Và muốn như vậy thì môi trường biển phải không có, hoặc rất ít chất thải gây ô nhiễm.
Nếu nhấn chìm chất thải xuống biển sẽ ảnh hưởng đến các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển mạnh. (Ảnh: Internet)
Nước biển sạch thì các loài sinh vật trong biển sẽ phát triển mạnh, nước ta hiện nay có 28 tỉnh, thành phố sống ven biển, hơn 23 triệu dân sống nhờ vào biển. Nếu ảnh hưởng đến biển, môi trường biển thì làm sao có thể phát triển kinh tế biển mạnh được.
“Chính vì thế, theo ý kiến riêng của tôi thì vấn đề này là không nên, mà phải tìm cách giải quyết như thế nào để cái chất thải đó không phải nhấn chìm xuống biển. Nếu chất thải mà đổ xuống biển thì ít nhiều môi trường biển cũng sẽ ảnh hưởng”, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, vật chất nạo vét này chủ yếu là bùn thải, bùn đất và các chất phù sa bồi lắng nên việc nhấn chìm này không ảnh hưởng đến môi trường biển. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cũng cho rằng, theo ông, nếu muốn nhấn chìm thì chúng ta cần phải nghiên cứu các thành phần hóa học có ở trong bùn thải ở vùng biển đó như thế nào. Mặt khác phải xem xét trong lượng bùn thải đó có bao nhiêu thành phần, chất này chất kia như thế nào, và phải xem những chất đó đối với nước biển, đối với môi trường biển có ảnh hưởng hay không.
“Chúng ta cần phải chứng minh được lượng bùn thải này không ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng rất ít đến môi trường sống của biển như thế thì mới có thể nhấn chìm nó xuống biển được. Bây giờ cứ có bùn thải, bùn lắng như thế là chúng ta nhấn chìm hết xuống biển thì không nên, làm sao biết được trong đó lẫn bao nhiêu chất, bao nhiêu thành phần nguy hại”, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh khẳng định.
Nguồn: MT & ĐT