Ứng dụng khoa học cộng đồng trong thủy văn – tài nguyên nước

05/08/2023 21 lượt xem admin

Khoa học cộng đồng là phong trào toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, có khả năng liên kết các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và sự tham gia của cộng đồng trong việc thu thập và chia sẻ các thông tin khoa học.

Ứng dụng khoa học cộng đồng trong thủy văn – tài nguyên nước
Ảnh minh họa

Thu thập các dữ liệu về lũ lụt nhờ ứng dụng khoa học cộng đồng

PGS.TS. Phạm Quý Nhân – Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ di động, kỹ thuật phân tích và xử lý dữ liệu cũng như các phương pháp truyền tải thông tin và tri thức đã mở ra những cơ hội mới cho khoa học cộng đồng. Với sự gia tăng của các thiết bị di động, công nghệ web 2.0, khoa học cộng đồng được áp dụng ngày càng phổ biến để cung cấp thông tin bổ sung và có giá trị trong lĩnh vực thủy văn – tài nguyên nước.

Phụ thuộc vào từng mục tiêu của nghiên cứu, cộng đồng có thể tham gia cung cấp, thu thập các thông tin khác nhau. Các dữ liệu quan trắc có thể là các đại lượng trực tiếp như: mưa, chất lượng nước, mực nước, chất lượng nước. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về đánh giá mối nguy cơ lũ thường sử dụng khoa học cộng đồng để thu thập các thông tin sau trận lũ. Đôi khi, tại thời điểm xảy ra các trận mưa lũ, người tham gia không thu thập thông tin vì lý do an toàn.
Ứng dụng khoa học cộng đồng trong thu thập các dữ liệu về lũ lụt khá phổ biến ở nhiều châu lục khác nhau. Điều này, trái ngược với bài toán đánh giá rủi ro hạn hán, đây vẫn là những chủ đề tiềm năng trong tương lai. Hầu hết các nghiên cứu về quan trắc, điều tra, khảo sát lũ lụt và theo dõi, đánh giá rủi ro hạn hán đều sử dụng điện thoại thông minh, giúp người tham gia có thể dễ dàng chủ động tham gia vào quá trình quan trắc, điều tra.

Hiện trạng áp dụng ở Việt Nam

Theo PGS.TS. Phạm Quý Nhân, cách tiếp cận khoa học cộng đồng trong các nghiên cứu khoa học vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, mô hình chia sẻ các thông tin về tình hình an toàn giao thông, được phát trên kênh VOV giao thông, cũng là một cách tiếp cận của mô hình “Khoa học cộng đồng”. Cộng đồng và các cơ quan có thể cùng phối hợp, cung cấp các thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông, giúp người tham gia giao thông có thể tránh được khu vực ùn tắc, tìm được cung đường và thời gian đi phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều hội nhóm được thành lập để các thành viên có thể chia sẻ các thông tin, cùng nhau giải quyết các thách thức của địa phương như nhóm quản lý đô thị ở Đà Nẵng.

Trong lĩnh vực thủy văn tài nguyên nước, năm 2016, PGS.TS. Phạm Quý Nhân và cộng sự đã giới thiệu mô hình khoa học cộng đồng, cách tiếp cận mới trong khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.

Nghiên cứu đã giới thiệu khái quát về mô hình khoa học cộng đồng và khía cạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước. Những năm gần đây, mô hình này cũng đã được áp dụng trong việc quan trắc mực nước trên Sông Nhuệ dựa vào các bức ảnh được chụp từ cộng đồng và chia sẻ trên fanpage riêng của nhóm, phân loại sử dụng đất, hay phân tích chất lượng nước.

Các nghiên cứu trên đã chứng minh được tiềm năng của khoa học cộng đồng trong việc hỗ trợ các phương pháp truyền thống để thu thập dữ liệu một cách hiệu quả. Cụ thể, mô hình này giúp cải thiện độ chính xác và giảm chi phí thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu hiện nay, chưa áp dụng các ứng dụng thu thập dữ liệu trên điện thoại thông minh, để thuận tiện cho việc quản lý, khai thác dữ liệu.

PGS.TS. Phạm Quý Nhân cho biết, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng khoa học cộng đồng và điện thoại thông minh để thu thập các thông tin trong thủy văn – tài nguyên nước. Điều này giúp nâng cao hiểu biết của con người về tài nguyên nước, tác động của thiên tai, lũ lụt, hạn hán đến cuộc sống của người dân, cũng như tăng cường khả năng ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại. Việt Nam hiện nay cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong điều tra khảo sát, nhất là điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, một số mô hình khoa học cộng đồng cũng đã được áp dụng trong lĩnh vực tài nguyên nước.

“Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm, chưa tận dụng các ứng dụng thu thập dữ liệu để thu thập, xử lý và lưu trữ một cách đồng bộ, cũng như thuận tiện chia sẻ trên internet. Đây là một hướng đi mới có thể áp dụng trong tương lai ở các khu vực thiếu, hoặc thông tin không đầy đủ”, PGS.TS. Phạm Quý Nhân nhấn mạnh.

Năm 2019, lần đầu tiên, ngành thống kê đã ứng dụng phiếu khảo sát điện tử (CAPI và webform) trong Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, kết quả khảo sát đạt 99,9 %, cao hơn 20 % so với mục tiêu đề ra. Hay một nghiên cứu khác, sử dụng một số tiện ích của Google và Facebook trong khảo sát thông tin việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Kết quả cho thấy, phương pháp này tiết kiệm thời gian, chi phí và cho hiệu quả cao. Qua đó, có thể ứng dụng điện thoại thông minh qua hình thức khảo sát bằng App hay khảo sát trực tiếp (Web App) rất có tiềm năng cho các lĩnh vực khác.

Nguồn: MT&ĐT

05/08/2023 21 lượt xem admin

Bài viết cùng chuyên mục