Nguyên lý và thực trạng hoạt động xử lý nước thải y tế hiện nay

07/08/2023 21 lượt xem admin

Xử lý nước thải bệnh viện là khâu quan trọng trong chuỗi những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh những tác động xấu của chất thải y tế, nước thải bệnh viện,… đối với môi trường và cuộc sống.

Dân số Việt Nam ngày càng gia tăng, kinh tế cũng phát triển dẫn đến nhu cầu khám và điều trị bệnh tăng lên, số bệnh nhân cũng tăng theo.

Báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay cả nước có gần 50.000 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có 248 bệnh viện tư nhân và 21.048 phòng khám tư nhân.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, tính đến hết năm 2017, cả nước có 478/543 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế hoạt động tốt, đạt tỷ lệ 88%. Tổng số bệnh viện có lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế là 192 bệnh viện; trong đó, tuyến trung ương có 1 bệnh viện, tuyến tỉnh có 52 bệnh viện, tuyến huyện có 135 bệnh viện và tư nhân có 4 bệnh viện.

Nước thải bệnh viện ngoài ô nhiễm thông thường như nước thải sinh hoạt của cán bộ viên chức, của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nước lau sàn nhà, bể phốt của các khu điều trị (ô nhiễm hữu cơ), nước trong mùa mưa còn có thể nhiễm những hóa chất phát sinh trong quá trình chuẩn đoán và điều trị bệnh như các chế phẩm thuốc, các chất khử trùng, các đồng vị phóng xạ, các khu xét nghiệm, phòng mổ. Bên cạnh đó, nước thải bệnh viện nguy hiểm về phương diện vệ sinh dịch tễ bởi trong nước thải bệnh viện có chứa các loại vi trùng, động vật nguyên sinh gây bệnh, trứng giun, virus….từ máu, dịch, đờm, phân của người mang bệnh.

Nước thải bệnh viện là nguồn nước được thải ra từ cơ sở khám chữa bệnh được hình thành từ các hoạt động chăm sóc bệnh nhân và sinh hoạt trong bệnh viện. Nước thải này có thể chứa vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, hóa chất độc, đồng vị phóng xạ. Ngoài ra còn có nước mưa không chứa các chất gây ô nhiễm. Thông thường ước tính mỗi bệnh viện có thể thải ra khoảng 0,4 đến 0,95 mét khối nước thải trên một giường bệnh trong một ngày tùy thuộc vào khả năng cung cấp nước, dịch vụ bệnh viện, số lượng bệnh nhân và người nhà chăm sóc người bệnh… Tuy vậy, nồng độ chất thải rắn lơ lửng (SS: suspended solid), chất hữu cơ (BOD5: biochemical oxygen demand 5) và các chất dinh dưỡng như nitơ, phosphore trong nước thải bệnh viện có thể không cao như nước thải đô thị. Nồng độ BOD5 thay đổi từ 80 đến 180 mg/l. Điều đáng lo ngại ở đây là nước thải bệnh viện chủ yếu nguy hại tập trung vào các loại vi sinh vật gây bệnh đường ruột, dễ dàng lây nhiễm qua đường nước. Nếu chất thải y tế không được quản lý và xử lý tốt, trong đó nước thải bệnh viện có chứa nhiều loại dược phẩm, hóa chất có thể làm ảnh hưởng xấu đến hiệu suất của hệ thống công trình xử lý sinh học. Nhiều kết quả nghiên cứu về chất lượng nước thải bệnh viện đã được thực hiện và phát hiện thông số ô nhiễm khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh viện ở tuyến trung ương, tỉnh, ngành và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa lao, bệnh viện chuyên khoa phụ sản…

Xử lý nước thải bệnh viện là một trong những khâu quan trọng trong chuỗi những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh được những tác động xấu của chất thải y tế, nước thải bệnh viện, rác thải… đối với môi trường và cuộc sống hiện nay.

Thực trạng xử lý nước thải y tế hiện nay

Nguồn nước thải chủ yếu:

Nguồn nước thải bệnh viện chủ yếu xuất phát từ khu vực nhà vệ sinh, nhà ăn, nước thải từ quá trình phẫu thuật, xét nghiệm, điều trị, giặt giũ, vệ sinh của người bệnh, nhân viên y tế… chứa thành phần COD, BOD cao.

Ngoài các nguồn thải này, trong nước thải bệnh viện còn chứa một phần nước thải từ quá trình chụp X quang, các chất phóng xạ lỏng và bệnh phẩm, nguồn này chứa nhiều chất độc hại, thuốc kháng sinh và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm.

Nếu không được xử lý triệt để khi thải ra môi trường sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái của môi trường nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tạo nên nguy cơ ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra các chất ô nhiễm trong nước thải không được xử lý không những ảnh hưởng trực tiếp đến nước ao, hồ, sông mà ngấm xuống đất, tích lũy tồn đọng trong nguồn nước ngầm. Nước thải bệnh viện chứa vi khuẩn còn có thể gây bệnh cho các loại sinh vật, động vật qua nguồn nước.

Nguyên lý hoạt động hệ thống xử lý nước thải bệnh viện:

Hố thu – SRC: Loại bỏ các tạp chất nổi và lơ lửng có kích thước lớn

Nước thải từ các nguồn phát thải theo đường ống thu gom chảy về hố thu – song chắn rác đặt trước bể điều hòa. Song chắn rác có tác dụng loại bỏ những vật liệu nổi lơ lửng có kích thước lớn trong nước thải như giẻ, giấy…Những tạp chất này có thể gây tắc nghẽn đường ống, làm hỏng máy bơm. Rác định ký được vớt lên bằng thủ công rồi đem đi chôn lấp tại nơi quy định, nước thải sau khi tách rác được chảy về bể điều hòa

Bể chứa – điều hòa: Làm đồng đều lưu lượng và thành phần nước thải:
Trong bể chứa điều hòa có lắp đặt hệ thống khuấy trộn bằng thủy lực nhằm tăng cường mức độ đồng đều của nước thải về thành phần trước khi vào các công đoạn xử lý tiếp theo. Việc khuấy trộn còn có tác dụng chống lắng cặn lơ lửng để tránh làm giảm thể tích làm việc hữu ích của bể và tránh được hiện tượng phân hủy yếm khí trong thời gian nước thải lưu tại bể, điều này phát sinh mùi khó chịu.

Công trình xử lý nước thải bệnh viện đã hoàn thành:

– Bể keo tụ lắng: 

Từ bể điều hòa, nước thải được bơm vào ngăn trộn keo tụ. Hóa chất cần thiết (ở đây dùng keo tụ PAC) được đưa vào nhờ bơm định lượng và khuấy trộn đều với nước thải bằng cơ cấu trộn thủy lực. Tại đây các bông keo tụ được hình thành và lắng xuống đáy bể.

Để tăng cường quá trình phát triển của bông keo tụ, tại đây có thể đưa thêm chất trợ keo tụ Polymer vào buồng phản ứng tạo bông ở giữa bể lắng. Trong cùng lắng của bể, các hạt cặn lơ lửng có trong nước thải sẽ liên kết với các bông keo tụ làm cho kích thước của chúng ngày càng lớn và dưới tác dụng của trọng lực sẽ bị lắng xuống dưới đáy bể. Nước trong sau khi lắng tràn vào máng thu nước, theo đường ống dẫn chảy vào bể xử lý sinh học. Cặn bùn lắng xuống đáy bể định kỳ xả về bể chứa bùn qua đường ống xả bùn lắp ở đáy bể.

– Bể xử lý sinh học hiếu khí: Loại bỏ các tạp chất sinh học hữu cơ hòa tan

Nước thải từ bể lắng sơ cấp đi vào bể được phân phối đều trên diện tích của bể. Dòng nước thải đi từ trên xuống tiếp xúc với khối vật liệu lọc có vi khuẩn hiếu khí dính bám. Chất hữu cơ hòa tan trong nước thải được hấp thụ và phân hủy, bùn cặn được giữ lại trong khe rỗng của nước vật liệu lọc. Nước đi qua lớp vật liệu lọc rồi chảy vào khoang ở đáy bể. Từ đây nước được dẫn sang bể lắng thứ cấp.

– Bể lắng thứ cấp: Tách thành bùn hoạt tính

Từ bể lọc sinh học hiếu khí, nước lẫn bùn hoạt tính chảy vào bể lắng thứ cấp. Bùn hoạt tính được lắng xuống đáy bể và định kỳ được bơm hút xả về bể phân hủy bùn. Bơm bùn được điều khiển bằng rơle thời gian, hoạt động từ 2-3 phút/ lần, chu kỳ lặp lại là 60 phút. Nước trong sau khi tách bùn hoạt tính chảy vào bể khử trùng.

– Bể khử trùng: tại bể khử trùng, nước thải trộn với hóa chất khử trùng được cấp vào nhờ bơm định lượng. Nước đã khử trùng sẽ đạt tiêu chuẩn thải và xả ra ngoài.

Liều lượng sử dụng là 1- 4 mg/l nước thải tương đương với lưu lượng bơm định lượng là 10 l/h. Lưu lượng này có thể điều chỉnh khi phân tích hàm lượng clo dư trong nước thải ở đầu ra xử lý.

– Bể phân hủy bùn: bùn cặn lắng từ bể lắng sơ cấp và bùn hoạt tính từ bể lắng thứ cấp được đưa về bể phân hủy yếm khí. Tại đây dưới tác dụng của hệ vi sinh vật yếm khí, bùn cặn được phân hủy làm cho thể tích bùn giảm đi nhiều và định ký được hút chở đy nơi khác. Nước trong từ bể này quay trở lại bể chứa – điều hòa để xử lý lại.

Một số khuyến nghị:

  • UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế các tỉnh rà soát, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp xử lý triệt để chất thải phát sinh tại các cơ sở y tế. Đồng thời UBND các tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế có phương án thu gom, xử lý tạm thời đối với lượng nước thải phát sinh vượt công suất xử lý của hệ thống xử lý nước thải (chưa được xử lý) tại các cơ sở y tế nhằm giải quyết tình trạng nước thải y tế chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường trong khi chưa đầu tư nâng công suất cho các hệ thống xử lý hiện nay.
  • Yêu cầu ngành y tế thường xuyên rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư, hoạt động của các công trình, hạng mục xử lý chất thải y tế, kịp thời đề xuất thay thế, bổ sung các hạng mục đầu tư trong trường hợp hỏng hóc, vượt quá công suất để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với các công trình bảo vệ môi trường (chất thải rắn y tế, nước thải y tế).
  • Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế các tỉnh cần tăng cường giám sát các cơ sở y tế trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường/đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được phê duyệt. Đặc biệt là thực hiện quy trình quản lý chất thải y tế từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển nội bộ, lưu giữ và xử lý và yêu cầu các cơ sở y tế vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình, sổ tay hướng dẫn vận hành thiết bị, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo nước thải sau xử lý đạt QCYN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế trước khi thải ra môi trường.
  • Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh phải thường xuyên thực hiện lấy mẫu đột xuất đối với nước thải sau xử lý tại các trạm xử lý nước thải của các bệnh viện, cơ sở trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh mình quản lý.
  • Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính đối với các đơn vị có kết quả phân tích thông số ô nhiễm nước thải sau xử lý vượt QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế.
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC KHIỂN
07/08/2023 21 lượt xem admin

Bài viết cùng chuyên mục