Trường ĐH Xây dựng Hà Nội và ĐH Saitama (Nhật Bản) đang hợp tác triển khai Dự án(SATREPS) “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải XD hiệu quả nhằm kiểm soát ÔNMT và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam”.
Dự án được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế (JICA) và Cơ quan khoa học và công nghệ (JST) Nhật Bản nhằm xây dựng hướng dẫn cần thiết cho việc quản lý chất thải rắn xây dựng thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn kỹ thuật cho vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng; Phát triển công nghệ mới tận dụng các vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng; Đề xuất mô hình kinh doanh chiến lược để thúc đẩy tái chế chất thải rắn xây dựng tại Việt Nam, đồng thời kiểm tra hiệu quả và tính khả thi của chúng thông qua các dự án thí điểm. Qua các mục tiêu đó, dự án đóng góp vào việc đạt được tỷ lệ tái chế chất thải rắn xây dựng là 60% đáp ứng chiến lược quốc gia của Việt Nam về quản lý chất thải rắn đến năm 2025 thông qua việc áp dụng các công nghệ và mô hình kinh doanh phát triển vào các doanh nghiệp tái chế thực tế.
Trong khuôn khổ của dự án SATREPS, được sự tài tợ của Bộ Môi trường Nhật Bản, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty Ecosystem, Nhật Bản đã cùng phối hợp nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm bê tông rỗng tiêu thoát nước từ chất thải rắn xây dựng. Sản phẩm được thí điểm sử dụng ngay tại khuôn viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Khu công nghiệp DEEP-C, Hải Phòng.
Sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội so với bê tông thường và bê ông asphalt: Giảm hiện tượng ngập úng, đặc biệt ở khu vực đô thị; loại bỏ hiện tượng nước đọng trên bề mặt đường; làm giảm nhiệt độ của mặt đường và không khí thông qua “hiệu ứng đảo nhiệt”; hấp thụ âm thanh, chống trơn trượt; hỗ trợ phát triển thực vật; bổ sung mực nước ngầm. Công nghệ sản xuất bê tông này được dự báo có thể áp dụng rộng rãi tại các đô thị phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Nguồn: MTĐT